Dịch tay chân miệng có xu hướng gia tăng, cần chủ động các biện pháp phòng chống

Lã Thị Thúy hằng
Theo dự báo, trong gian tới, số ca mắc và ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng. Bởi hiện đang là giai đoạn chuyển mùa, virus bệnh truyền nhiễm có nguy cơ phát triển, lây lan trong cộng đồng, trong đó có bệnh tay chân miệng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong hai tuần cuối tháng 3/2024, trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận từ 60-70 ca tay chân miệng/tuần, nhưng đến tuần đầu tháng 4/2024 đã tăng lên hơn 120 ca/tuần. Mới đây nhất, tuần từ ngày 5-12/4, thành phố ghi nhận 161 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 37 trường hợp so với tuần trước đó.

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 585 trường hợp, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023, không có trường hợp nào tử vong. Bệnh nhân phân bố rải rác ở 28 quận, huyện. Một số địa bàn có nhiều bệnh nhân và ổ dịch như huyện Ba Vì, quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, quận Ba Đình và quận Hoàng Mai...

a12-1713243383.jpg

Chăm sóc bệnh nhân mắc tay chân miệng.

Theo các bác sĩ, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi-rút đường ruột gây ra. Cao điểm của bệnh là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Những tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là Coxsackievirus (CV) A10, A14, -A16 và Enterovirus (HEV) 71. Trong khi các trường hợp nhiễm thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì HEV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong trong vòng 24 đến 48 giờ, nếu không được điều trị kịp thời.

Đáng nói, các ổ dịch chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non. Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức cho biết, hơn 90% số trường hợp mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh, trong khi bệnh này lây truyền chủ yếu theo đường tiêu hóa, qua nước bọt, nốt phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Những đặc điểm này dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh rất cao khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non.

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết: “Bệnh viện tiếp nhận một số trẻ ngày đầu khi mắc bệnh, bố mẹ đã cho dùng kháng sinh, hạ sốt, chống nôn. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh tay chân miệng do vi-rút gây ra là không đúng. Kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra. Trường hợp trẻ mắc tay chân miệng mà kết quả xét nghiệm có viêm nhiễm do vi khuẩn, thì bác sĩ mới cân nhắc kê kháng sinh điều trị. Do đó, cha mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị kháng sinh cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ”.

Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 1425/SYT-NVY về việc chủ động tăng cường công tác phòng chống tay chân miệng trên địa bàn thành phố. Trong đó, Sở Y tế yêu cầu CDC Hà Nội tiếp tục tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch tay chân miệng cho các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; lưu ý các biện pháp phòng chống cũng như vệ sinh khử khuẩn tại trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và cơ sở trông giữ trẻ…

Các đơn vị giám sát chặt tình hình dịch tại cơ sở y tế được phân công, thường xuyên tổng hợp báo cáo từ các đơn vị trong ngành để kịp thời báo cáo, tham mưu Sở Y tế trong việc chỉ đạo các biện pháp phòng chống. Các trạm y tế hướng dẫn các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ… trên địa bàn biết và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, đặc biệt là công tác vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu, các đơn vị liên quan cần tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân công giám sát; tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lây lan; tuyên truyền các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà-phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ để phòng chống bệnh tay chân miệng. Các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập bảo đảm đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu và điều trị bệnh.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa, cho nên các gia đình cần chủ động thực hiện tốt sáu biện pháp phòng bệnh đơn giản, hiệu quả đối với trẻ gồm: Vệ sinh tay chân sạch sẽ với xà-phòng; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; vệ sinh đồ chơi, đồ dùng; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh; sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu mắc bệnh.

Khi thấy trẻ bị tay chân miệng, không hạ được sốt, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để xác định mức độ bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp nhất.

L.Hằng