Đại dịch COVID-19 vẫn là sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu

Lã Thị Thúy hằng
TS. Vũ Hương, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa thông tin, Đại hội đồng y tế công cộng khẩn cấp thế giới ngày 12/7 tiếp tục khẳng định, đại dịch COVID-19 vẫn là sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu. Triển khai nhanh liều tiêm nhắc lại chính là biện pháp đối phó quan trọng nhất với những diễn biến mới khó lường của biến thể BA.4, BA.5.

Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022 diễn ra chiều 21/7, TS. Vũ Hương, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, trong 6 tuần gần đây, có tới 5 tuần ghi nhận số ca mắc Covid-19 và tử vong gia tăng trên toàn thế giới, trong đó chỉ có một tuần số ca mắc đi ngang.

Trước những diễn biến mới khó lường của biến thể BA.4, BA.5, ngày 12/7 TS. Vũ Hương tiếp tục khẳng định, đại dịch Covid-19 vẫn là sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu. Triển khai nhanh liều tiêm nhắc lại chính là biện pháp đối phó quan trọng nhất với những diễn biến mới khó lường của biến thể BA.4, BA.5.

Tại Việt Nam, số ca mắc của tuần này tăng tới 21% so với tuần trước. Các ca mắc biến thể BA.4 và BA.5 đang gia tăng. Tại các tỉnh miền Bắc, TS. Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, từ tháng 1-5/2022, số ca mắc biến chủng Omicron chiếm khoảng 70%; đến tháng 6, 100% số ca giải trình tự gene là biến chủng Omicron; tháng 7 ghi nhận biến chủng BA.5 đang chiếm xu hướng hoàn toàn ở miền Bắc.

Đối với phía nam, TS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cũng cho biết, cách đây 3-4 tuần, TP.HCM có xuất hiện ổ dịch biến chủng Delta. Tuy nhiên gần đây, các ca bệnh mắc biến thể BA.2, BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron đang chiếm dần ưu thế. Đặc biệt, biến thể BA.4, BA.5 có thể lẩn tránh miễn dịch.

Theo Hãng tin Reuters, Ủy ban Khẩn cấp của WHO, bao gồm các chuyên gia độc lập, cho biết tình trạng khẩn cấp vẫn được duy trì khi các ca bệnh vẫn gia tăng, virus đang phát triển và hệ thống y tế ở một số quốc gia còn đối mặt với áp lực lớn.

Ngày 12/7 phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch "chưa có dấu hiệu chấm dứt", đồng thời bày tỏ lo ngại SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đang "tự do lưu hành" trên thế giới.

"Các làn sóng mới cho thấy một lần nữa dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc. SARS-CoV-2 đang tự do lưu hành và các nước không quản lý tốt gánh nặng bệnh tật dựa trên năng lực của mình, cả về tình trạng nhập viện đối với các ca bệnh nghiêm trọng và ngày càng nhiều người mắc hội chứng hậu Covid-19 ", ông Tedros nói.

Triển khai nhanh liều tiêm nhắc vaccine Covid-19 để đối phó biến chủng mới

Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, đến nay, Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia có tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 cao nhất thế giới.

Theo mục tiêu của thế giới, đến ngày 30/6/2022, các quốc gia sẽ bao phủ 70% dân số được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều cơ bản. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa đạt, hiện mới chỉ có 58/198 quốc gia đạt được mục tiêu 70% dân số được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Trong khi Việt Nam đã đạt được mục tiêu này từ tháng 12/2021.

Đặc biệt, đối với biến thể BA.4, BA.5 và các biến thể mới có diễn biến rất khó lường, tuy nhiên giải pháp can thiệp quan trọng nhất để chống lại biến thể mới giai đoạn này đó chính là triển khai nhanh việc tiêm mũi nhắc lại cho người dân, nhất là đối tượng trên 18 tuổi.

"Đây là yếu tố quan trọng nhất trong thời gian điểm hiện tại và chính là biện pháp đối phó với những diễn biến mới khó lường trước của biến thể mới", TS. Vũ Hương nhấn mạnh.

Đại diện WHO khuyến cáo các địa phương cần có yêu cầu cao hơn về báo cáo số liệu tiêm, trong đó cân nhắc nguyên tắc phân bổ tiêm vắc-xin theo nhóm nguy cơ đầu tiên, vì nhóm này đe dọa việc nhập viện và khó khăn nhất.

TS. Vũ Hương cũng nhấn mạnh, có nhiều trẻ trong giai đoạn chống dịch (2020, 2021) và hiện nay chưa được tiêm chủng phòng những bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vì vậy, những bệnh này có nguy cơ quay trở lại rất lớn, đặc biệt là sởi. Việt Nam cần rà soát các mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng năm 2020, 2021, nếu mũi tiêm nào thấp cần tổ chức tiêm vét hoặc tổ chức chiến dịch tiêm nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch.

a1-1658495741.jpg

Cần triển khai nhanh liều tiêm nhắc lại chính là biện pháp đối phó quan trọng nhất với những diễn biến mới khó lường của biến thể BA.4, BA.5.

Hiệu quả của liều tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19

Bộ Y tế cho biết, tiêm mũi nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.

Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc-xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2.

Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy, nếu được tiêm liều nhắc lại, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cũng cho thấy, những người từng mắc Covid-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc lại thì hiệu quả này lên đến 67,6%.

Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc-xin phòng Covid-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới cũng triển khai lịch tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 cho người lớn và trẻ vị thành niên.

Thúy Hằng