Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành giáo dục ngoài công lập… gặp khó

Tạp Chí Nhân Đạo
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Quảng Bình đã quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh. Gần 4 tháng học sinh nghỉ học, các cơ sở giáo dục (CSGD), nhất là ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn…Vì vậy, đội ngũ giáo viên, nhân viên ngoài công lập rất cần được hỗ trợ, động viên để vơi bớt khó khăn, tiếp tục góp sức cho sự nghiệp “trồng người”.

Theo ông Nguyễn Tất Thiện, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 815 trường học và CSGD, trong đó, 15 trường và 48 nhóm trẻ độc lập ngoài công lập; 1 trường tiểu học, 1 trường THCS và THPT tư thục, 4 trung tâm ngoại ngữ, tin học… Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) toàn ngành là 18.560 người (trong đó, 634 người ngoài công lập).

Cùng với cả nước, Quảng Bình nói chung, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) nói riêng, thời gian qua đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh toàn tỉnh tiếp tục nghỉ học từ ngày 29-1 đến ngày 4-5 để tránh dịch bệnh lây lan trong trường học.

mam non
Các trường mầm non tư thục gặp khó trong đại dịch Covid

Học sinh nghỉ học dài ngày, không thu học phí, không có kinh phí chi trả, đồng nghĩa với người lao động ở các trường và CSGD ngoài công lập không được trả lương từ tháng 1 đến tháng 4, nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, các trung tâm ngoại ngữ, nhóm trẻ ngoài công lập bị ảnh hưởng nặng nề, do không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, cơ sở vật chất dạy học. Trung bình mỗi cơ sở (nhiều trung tâm có 2 đến 4 cơ sở) phải trả ít nhất 40 triệu đồng/tháng.

Cũng như cán bộ, giáo viên, nhân viên ngoài công lập, đội ngũ cô nuôi ở các trường tiểu học bán trú và cấp học mầm non cũng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh… Bà Đặng Thị Hồng Ân, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) chia sẻ, sau hơn 2 tuần học sinh toàn tỉnh đi học trở lại, cấp học mầm non đã có 61.514 học sinh đến trường học, đạt hơn 87%.

Như vậy sau 4 tháng không lương, thì nay giáo viên hợp đồng, cô nuôi ở các trường công lập sẽ được nhận lương từ nguồn hỗ trợ của phụ huynh đóng góp. Tuy nhiên, các CSGD ngoài công lập vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí. Bởi gần 4 tháng học sinh nghỉ học, đồng nghĩa với các CSGD ngoài công lập không có nguồn thu, thế nhưng để tiếp tục duy trì hoạt động sau khi hết dịch bệnh, các đơn vị này vẫn phải “gồng mình” đóng các khoản bảo hiểm để giữ chân giáo viên, nhân viên...

Bà Lê Thị Hoa Lý, Hiệu trưởng Trường mầm non An Sinh (TP. Đồng Hới) tâm sự, trường có 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục gần 400 cháu bao gồm cả lứa tuổi nhà trẻ và lứa tuổi mẫu giáo. Là loại hình trường tư thục, mọi hoạt động tự thu tự chi…, do đó, trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19, học sinh nghỉ học, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Không có nguồn thu, nhưng mỗi tháng đơn vị phải chi gần 200 triệu đồng để trả lãi nguồn vốn đầu tư vay ngân hàng, nộp bảo hiểm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và các hoạt động thường xuyên khác.

Vì vậy, Trường mầm non An Sinh cũng như các đơn vị ngoài công lập khác rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành để bảo đảm một phần cuộc sống cho giáo viên các trường tư thục phải nghỉ việc trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Và hơn hết, cần có sự công bằng về chính sách giữa trường tư thục và trường công lập..., nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT đã chung sức, chung lòng với nhân dân toàn tỉnh vượt lên gian khó, nỗ lực chiến thắng dịch bệnh. Cùng với việc quyên góp hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, đội ngũ thầy cô giáo bằng nhiều việc làm thiết thực, kịp thời hỗ trợ sẻ chia khó khăn với đồng nghiệp.

Bà Đặng Thị Trà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An bày tỏ, hơn 3 tháng học sinh nghỉ học do dịch bệnh Covid-19, Hệ thống giáo dục Chu Văn An là trường đầu tiên bắt tay thực hiện dạy học trực tuyến ngay từ những ngày đầu nghỉ học phòng dịch. Sự vào cuộc kịp thời đó không những giúp nhà trường hoàn thành một phần kế hoạch giáo dục của năm học mà còn giúp cho học sinh “nghỉ dịch nhưng không nghỉ học”. 

Trong khi phần lớn các trường tư thục phải cắt giảm tiền lương thì nhà trường vẫn thực hiện đầy đủ các chế độ lương, phụ cấp cho đội ngũ nhân viên, giáo viên nhà trường. Nhà trường đã sớm chủ động tổ chức hội nghị và đi đến thống nhất với Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh về mức thu phí đối với dạy học trực tuyến bằng 50% học phí khi dạy học trực tiếp thông thường. Mức thu này dù không đủ chi trả cho các chi phí hoạt động nhưng cũng phần nào giảm bớt khó khăn cho nhà trường.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Quảng Bình cho biết thêm, thời gian qua, cùng với việc làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Công đoàn ngành Giáo dục Quảng Bình đã tích cực vận động đoàn viên, người lao động đóng góp hơn 200 triệu đồng tiền mặt và nhiều vật tư y tế, nhu yếu phẩm cần thiết cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Bên cạnh đó, các công đoàn cơ sở cũng đã sẻ chia kịp thời với các đồng nghiệp ngoài công lập gặp khó khăn do học sinh nghỉ học dài ngày.

Thường trực Công đoàn ngành cũng đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và trích 21 triệu đồng từ quỹ “Hỗ trợ nhà giáo, người lao động” để hỗ trợ 42 suất quà (500.000 đồng/suất) cho đoàn viên lao động trong các đơn vị ngoài công lập trực thuộc Công đoàn Giáo dục tỉnh không có lương từ tháng 1 đến 4-2020. Tuy nhiên, để đoàn viên lao động yên tâm công tác, nhất là đội ngũ ngoài công lập, rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Vừa qua, Thường trực Công đoàn ngành cũng đã có văn bản đề nghị hỗ trợ chế độ lương cho giáo viên các trường ngoài công lập; miễn nộp thuế, giảm lãi suất ngân hàng, giãn thời gian trả nợ cho các trường tư thục. Đồng thời, cần có giải pháp hỗ trợ chế độ cho nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non bán trú, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường mầm non tư thục và các nhóm trẻ độc lập tư thục trên địa bàn trong thời gian trẻ nghỉ học.

Bùi Toàn