Virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, biến thể mới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay đã ghi nhận trên 500 biến thể khác nhau, hiện biến thể Omicron là biến thể chủ đạo của các trường hợp mắc trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ như: BQ.1 (chiếm 23,3%), BA.5 (chiếm 20,6%), BA.2.75 (chiếm 6,8%), XBB (chiếm 3.3%), BA.4.6 (chiếm 2,8%) và một số biến thể phụ khác.
Theo WHO, biến thể XBB được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10/2022 và đến nay đã lây lan ở hơn 70 quốc gia. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 đang gây đợt bùng phát dịch mới ở Mỹ, ghi nhận tỷ lệ mắc biến thể này tăng từ 4% lên 41%, trong đó gần nửa số ca mắc này là do biến thể phụ XBB.1.5 gây ra.
WHO dự báo chủng XBB và XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so với các chủng phụ của Omicron khác trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia y tế trên thế giới, biến thể XBB có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron; tuy nhiên vaccine phòng COVID-19 hiện tại vẫn có thể phòng khả năng diễn biến tình trạng bệnh nặng, tử vong.
Ở nước ta, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể XBB tại tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam cơ bản đang được kiểm soát, tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 giảm mạnh; bao phủ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ cao nhất trên thế giới.
Tính đến hết ngày 04/01/2023, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được trên 265 triệu liều vaccine phòng COVID-19 an toàn cho người dân từ 5 tuổi trở lên.
Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp; các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vaccine giảm dần theo thời gian; cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc COVID-19 gia tăng.
Hiện nay đang là giai đoạn giao mùa Đông - Xuân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, thời gian tới là dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc và diễn biến nặng các bệnh truyền nhiễm.
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa Đông – Xuân, trong dịp Lễ Tết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như: đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sạch...; chú trọng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh.
Theo Sức khỏe Đời sống