Tuyến phố đi bộ phía Đông đầm Lập An (thị trấn Lăng cô – huyện Phú Lộc – tỉnh Thừa Thiên - Huế) dài 3,4km được đầu tư 172 tỷ đồng do Ban quản lý khu kinh tế - khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư. Trong đó, phần xây dựng gần 110 tỷ đồng do 5 nhà thầu đóng tại: Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình thi công.
Việc xây dựng tuyến đường trên nhằm tạo điểm nhấn cho khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, thu hút và nâng cấp dịch vụ du lịch, góp phần chỉnh trang đô thị Lăng Cô và khai thác du lịch tại đầm Lập An, hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Dự án bắt đầu từ năm 2019 với lộ trình hoàn thành vào tháng 12/2021.
Tuy nhiên, trong đợt bão số 13 vừa rồi, tại tuyến đường trăm tỷ trên lại hư hỏng rất nặng dù Thừa Thiên - Huế không phải là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão này.
Theo ghi nhận của phóng viên, chạy dọc khắp tuyến phố đi bộ trên xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, nền đường bị vỡ vụn thành từng mảnh nhỏ, lan can bị gãy đổ lộ cả sắt thép bên trong. Trong khi đó, chân taluy của con đường này xuất hiện hàng loạt vết sụt lún, hở hàm ếch ăn sâu vào con đường. Nhìn vào ít ai nhận ra con đường trăm tỷ này vẫn đang trong quá trình xây dựng chưa thể nghiệm thu hết.
Người dân địa phương cho biết, trong đợt bão số 13 vừa rồi, sức gió tại thị trấn Lăng Cô rơi vào khoảng cấp 8-9, giật cấp 11, gây ra sóng biển lớn. Tuy nhiên đối với một công trình được xây dựng ven biển nhưng với sức gió trên đã hư hỏng gần như hoàn toàn khiến người dân nghi ngờ về chất lượng công trình và năng lực của các nhà thầu thi công.
Sáng 25/11, chủ đầu tư đã cung cấp cho phóng viên những thông tin về dự án trên.
Ông Nguyễn Công Bình – Phó Giám đốc Ban quản lý khu kinh tế - khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện công trình trên đã thi công được 60% khối lượng.
Ông Bình cho biết, việc con đường trăm tỷ hư hỏng là do… trời. Cụ thể, trong đợt bão số 13 sóng biển dâng cao từ 0,5 – 0,8m so với mặt đường kết hợp với sóng vỗ mạnh trong nhiều giờ cuốn theo các vật nổi như cành cây, bè gỗ, phao, củi gỗ đập vào lan can, đánh vỡ mái taluy đá hộc, xói trôi đất cát dưới lề tạo thành các hố xói lở, hư hỏng gạch lát Terazzo. Tổng thiệt hại tính đến nay là 5 tỷ đồng.
Nói thêm rằng dù đây là một công trình ven biển, có nguy cơ chịu tác động cao bởi sóng và gió biển vào mùa mưa bão nhưng chủ đầu tư và các đơn vị thi công lại không tính đến phương án này dẫn đến hệ thống lan can bị sóng đánh đến tan nát.
Về việc này, đại diện chủ đầu tư cho biết, trong phương án thiết kế và thi công thì công trình này có mục tiêu là chỉnh trang đô thị, tạo đường đi bộ ven biển, phục vụ du lịch chứ không phải là công trình kè biển chắn sóng. Chính vì vậy mà lan can được thiết kế chỉ để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, thẩm mỹ, mỹ quan công trình hoàn toàn không chịu được lực sóng kèm theo và va đập của các vật nổi.
Theo thông tin mà phóng viên có được, sau khi cơn bão số 13 đổ bộ đã có đơn vị thi công tự tay phá đi các viên gạch lót Terazzo nhằm phi tang những viên gạch vỡ, sau đó đem vứt xuống đầm Lập An. Tuy vậy, chủ đầu tư đã bác thông tin này và cho rằng đó là do đơn vị thi công dọn dẹp vật liệu xây dựng tràn ra đường chứ không phải phi tang.
Hiện chủ đầu cùng với đơn vị thi công, tư vấn giám sát tiến hành đánh giá lại công trình, phối hợp với đơn vị bảo hiểm để giám định tổn thất, nghiên cứu các biện pháp gia cố mái taluy cũ bằng đá hộc để đảm bảo an toàn trong tương lai.