Chuyên gia Ấn Độ khuyên "không nên vắt chanh vào tô phở đang nóng"

Đặng Thu Hằng
Chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ cho rằng trái chanh chứa nhiều vitamin C và nó cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ cao, tất cả các chất dinh dưỡng quan trọng sẽ bị phá hủy khi vắt chanh vào đồ ăn nóng như bún, phở.

Chanh là một nguyên liệu quen thuộc được sử dụng trong nấu ăn hàng ngày. Với hương vị thơm, nồng chanh sẽ tăng hương vị cho bất cứ món ăn nào từ món nóng như phở bún miến, đến món lạnh như trà, đến cả món tráng miệng.

Thế nhưng mới đây bà Juhi Kapoor, chuyên gia dinh dưỡng của Ấn Độ, đã khuyên nên tránh vắt chanh vào thức ăn nóng.

anh-chup-man-hinh-2022-10-05-luc-092653-1664936823.png
Chuyên gia Ấn Độ khuyên không nên vắt chanh vào đồ ăn nóng. (Ảnh minh hoạ)

Tờ Indianexpress dẫn lời bà Juhi Kapoor: "Mọi người vẫn biết chanh chứa nhiều vitamin C mà cơ thể chúng ta cần để tăng cường khả năng miễn dịch và tốt cho sức khoẻ. Nó cũng giúp hấp thụ sắt, củng cố cho xương chắc khoẻ, làm cho tóc và da mềm mại, có sự đàn hồi tốt đồng thời giải phóng các thế bào trong cơ thể khỏi quá trình bị oxy hoá. Thêm nữa cơ thể không dự trữ hoặc tự sản xuất được vitamin C, vì vậy lượng vitamin C nạp vào cơ thể hằng ngày thực sự quan trọng để có sức khỏe tốt và tăng cường tuổi thọ".

Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng vitamin C cực kỳ nhạy cảm với nhiệt và nó dễ dàng bị phá huỷ khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Nếu bạn vắt chanh vào các món đồ ăn nóng thì vô tình nhiệt độ sẽ tác động vào các chất dinh dưỡng có trong chanh và cơ thể của bạn không được nhận đủ lợi ích từ loại quả này", bà Kapoor nói thêm.

anh-chup-man-hinh-2022-10-05-luc-094616-1664937985.png
Nhiều người Việt Nam có thói quen vắt chanh vào các món nước như phở, bún, miến. (Ảnh minh hoạ)

Đồng ý với quan điểm này, giáo sư tiến sĩ Savinder Kaur, Phó trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm và Dinh dưỡng, Đại học Lovely Professional University (Ấn Độ), cho biết chanh, là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp hấp thụ sắt khi được thêm vào chế độ ăn uống.

"Thế nhưng chanh lại rất nhạy cảm với nhiệt độ. Bởi vitamin C hoặc axit ascorbic rất nhạy với cả nhiệt độ và ánh sáng. Nó phâ huỷ rất nhanh ở nhiệt độ chỉ 30°C và mức độ phân hủy là cao nhất ở nhiệt độ 85 - 95°C, tùy vào thời gian tiếp xúc. Cho chanh vào thức ăn nóng có thể phá huỷ vitamin và hoạt động enzym của nó", tiến sĩ Kaur giải thích.

Bàn luận về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng đây là vấn đề mang tính chất "suy diễn" chứ "Không có ai nghiên cứu rằng cho chanh vào các món nóng như phở sẽ làm giảm đi cụ thể bao nhiêu % vitamin C trong món ăn".

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói: "Việc vắt chanh vào phở có nên hay không là vấn đề không cần phải lăn tăn. Bởi mục đích lớn nhất của việc vắt chanh vào món ăn này không phải để bổ sung vitamin C mà là để ngon miệng. Theo phân tích, đồ nóng làm bay hơi vitamin C, tuy nhiên nó chỉ bay hơi một phần nào đó chứ không làm mất hoàn toàn.

"Vắt chanh không ảnh hưởng đến chất lượng món ăn, càng không gây hại cho sức khỏe vì thế mọi người hãy yên tâm sử dụng. Nếu còn lăn tăn về việc nước nóng từ bún phở làm mất vitamin C thì sau đó hãy sử dụng các món giàu vitamin C khác như nước cam, nước chanh, súp lơ, đu đủ, bưởi... thay thế", ông Thịnh nhận định.