Kết nối và đồng hành
Xuất phát từ sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, nhóm thiện nguyện “Duy Xuyên và những người bạn” được thành lập, thuộc Hội Chữ thập đỏ xã Duy Hòa.
Anh Lê Văn Vĩnh - Trưởng nhóm cho biết, được thành lập từ 2015, ban đầu chỉ có vài chục thành viên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực hiến máu, đến nay tổng số thành viên của nhóm lên đến hơn 500 người.
“Trong những năm qua, nhóm tập trung thực hiện các chương trình thiện nguyện về vùng cao, vùng sâu vùng xa. Đồng thời vận động thành viên tham gia công tác hiến máu cứu người; kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng, nhà tài trợ để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn đột xuất, tổ chức chương trình “Chuyến xe 0 đồng” hỗ trợ bệnh nhân nghèo…” - anh Vĩnh chia sẻ.
Những năm gần đây, nhóm thiện nguyện “Duy Xuyên và những người bạn” thực hiện mỗi năm ít nhất 3 chương trình về vùng cao, tập trung vào dịp Tết Nguyên đán, trung thu, trước thềm năm học mới.
Mỗi chương trình hỗ trợ quà cho người dân vùng cao, tùy nguồn lực của nhóm và mức độ khó khăn của nơi cần đến, các chương trình được tổ chức với kinh phí từ vài chục đến hơn cả trăm triệu đồng. Các chương trình, hoạt động thiện nguyện của nhóm thường có sự đồng hành, gắn kết của Hội Chữ thập đỏ xã Duy Hòa.
“Trong quá trình hoạt động, nhóm thường phối hợp với các hội, đoàn thể, trong đó có Hội Chữ thập đỏ xã Duy Hòa. Là tổ chức chuyên về hoạt động nhân đạo, việc phối hợp thực hiện các chương trình thiện nguyện với Hội CTĐ không chỉ giúp công tác vận động, tìm kiếm nguồn lực thuận lợi hơn, mà còn giúp lan tỏa giá trị nhân văn trong mỗi chương trình” - anh Vĩnh chia sẻ.
Bà Tào Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Duy Hòa cho rằng, sự ra đời, phát triển của các đội, nhóm trong hoạt động thiện nguyện góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái trong cộng đồng, góp phần chia sẻ, giúp đỡ bà con khó khăn. “Tôi đồng hành với nhóm thiện nguyện “Duy Xuyên và những người bạn” trong rất nhiều hoạt động. Trước mỗi chuyến thiện nguyện, chúng tôi cùng nhau lo lắng rồi cùng vui mừng khi nhóm kêu gọi được nhà tài trợ đảm bảo kinh phí. Sau mỗi chương trình, mọi người chia nhau niềm hạnh phúc khi mang lại nụ cười, niềm vui cho người dân, trẻ em vùng cao” - bà Hạnh chia sẻ.
Kết nối tình nguyện viên
Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ Quảng Nam vào năm 2022, toàn tỉnh có khoảng hơn 7.900 tình nguyện viên thuộc 395 đội, nhóm, CLB, chủ yếu tham gia vào các hoạt động hiến máu tình nguyện, sơ cấp cứu, ứng phó thiên tai tại cộng đồng và cứu trợ nhân đạo...
Đối với hoạt động hiến máu tình nguyện, toàn tỉnh có 258 CLB hiến máu. Điển hình trong hoạt động có CLB Máu nóng Hiểu và thương; CLB Máu nóng Từ Tâm Nhiên; CLB Ngân hàng máu sống “Trái tim hồng” xã Duy Phước; CLB Ngân hàng máu sống phường Tân Thạnh; CLB Ngân hàng máu sống xã Quế Xuân 2…
Đối với hoạt động sơ cấp cứu và phòng ngừa thảm họa, toàn tỉnh có 53 đội ứng phó cộng đồng các cấp với 1.224 thành viên. Các thành viên đã xung kích tham gia các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người dân sơ tán, chằng chống nhà cửa, tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra.
Bên cạnh đó, hoạt động gây quỹ an sinh xã hội của nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm đã tham gia tích cực và đạt được nhiều kết quả được lãnh đạo địa phương, cộng đồng đánh giá và ghi nhận...
Ông Phan Công Ry, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, để đẩy mạnh hơn nữa phong trào, hoạt động tình nguyện trong thời gian tới hướng đến “Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và nhà nước”, trong nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phấn đấu phát triển hơn 8.000 tình nguyện viên; mỗi huyện, thị, thành hội thành lập ít nhất 1 đội tình nguyện viên.
“Việc kết nối, quản lý điều hành hoạt động của tình nguyện viên là cộng đồng trách nhiệm để hướng đến xây dựng thành chuỗi các hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ tỉnh thông qua lực lượng nòng cốt là những tình nguyện viên từ cộng đồng. Qua đó, góp phần thực hiện tầm nhìn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, đầu mối, điều phối trong hoạt động nhân đạo” - ông Ry chia sẻ.
Theo báo cáo của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, qua 5 năm (2018 - 2023) thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cấp hội đã tổ chức khảo sát và lập hồ sơ cho 8.083 địa chỉ khó khăn cần trợ giúp; đồng thời vận động được 2.597 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trợ giúp cho 6.391 địa chỉ, trị giá hơn 26,17 tỷ đồng.
Các hình thức trợ giúp sát với nhu cầu của đối tượng, tập trung vào trợ cấp thường xuyên, khám chữa bệnh, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ bò sinh sản, cải thiện nhà ở, cấp học bổng thường xuyên hàng tháng hoặc những hình thức hỗ trợ khác theo hướng phát triển bền vững... Thông qua hoạt động này đã giúp cho nhiều trường hợp bị bệnh hiểm nghèo được cứu chữa; nhiều trẻ mồ côi được tiếp tục đến trường; nhiều trường hợp khó khăn, bất hạnh vươn lên thoát nghèo.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động triển khai phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” (giai đoạn 2022 - 2027). Trong đó, mục tiêu đặt ra là tất cả huyện, thị, thành hội tổ chức bình chọn, tôn vinh danh hiệu “Người tốt, việc thiện” 2 lần/5 năm.
Qua phong trào sẽ lan tỏa lòng nhân ái, cổ vũ hành động tử tế góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, đề cao giá trị nhân đạo trong cộng đồng.
Đồng thời thu hút sự hưởng ứng, tham gia của các tập thể, cá nhân tạo phong trào thi đua làm việc thiện, thúc đẩy cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.