Chống ô nhiễm rác thải nhựa – Thúc đẩy lối sống xanh

Đặng Thu Hằng
Ngày Môi trường Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 5 tháng 6 và nhằm mục đích nâng cao nhận thức và tôn vinh hành động bảo vệ môi trường. Năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 51 năm tổ chức Ngày Môi trường thế giới, sau khi tổ chức này được thành lập bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1972 và Ngày Môi trường thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 1973.

Chiến dịch năm nay được tổ chức với chủ đề #BeatPlasticPollution (Tạm dịch: Giải pháp cho ô nhiễm nhựa) trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”. Nó nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động cụ thể để đạt được sự thay đổi mang tính biến đổi nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Trong đó có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm.

Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi cao đến tận đáy đại dương. Với các giải pháp và khoa học hiện có để giải quyết các vấn đề, các chính phủ, công ty và các bên liên quan khác phải mở rộng quy mô và đẩy nhanh các hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của Ngày Môi trường Thế giới trong việc thay đổi hành động từ mọi nơi trên thế giới.

anh-chup-man-hinh-2023-06-13-luc-110326-1694588302.png
 

Hàng chục triệu người trên khắp thế giới đã tham gia và hành động hưởng ứng các hoạt động, sự kiện vì môi trường. Vì vậy, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.

Từ năm 1982 đến nay, Việt Nam cũng đã hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm ngày Môi trường Thế giới trong phạm vi cả nước. Hàng năm, Tổng cục Bảo vệ Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan phát động và tổ chức sôi nổi ngày lễ này ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Đặc biệt trong những năm qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

ngaymoitruong-1694588302.jpeg
 

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới (8/6) và năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ phát động “Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới” nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, tạo thêm nhiều hành động thực tiễn có sức lan tỏa để nâng cao nhận thức của cộng đồng về hoạt động bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức “ô nhiễm trắng”. Với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng”.

“Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái. Chúng ta hãy thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng cách sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích thực hiện nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Đối với các tỉnh/thành phố cần có ít nhất 01 mô hình cụ thể về “Chống ô nhiễm nhựa” hiệu quả tại địa phương. Các địa phương cần ra quân dọn, xử lý rác tại các điểm đen và ô nhiễm rác thải nhựa ở sông, hồ, bờ biển. Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; nhất là giải pháp, sáng kiến giảm rác thải nhựa.

Quỳnh Mai