Chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng

Tạp Chí Nhân Đạo
Ngày 05/10, sẽ diễn ra Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng có lồng ghép giới tại các vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc Việt Nam”.

Dự án được thực hiện bởi Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Pháp qua quỹ Ready Fund, Hội Chữ thập đỏ Mỹ và Cơ quan phát triển Pháp (AFD), triển khai từ 4/2014 đến tháng 9/2017 tại 12 xã, phường dân tộc thiểu số tại Lai Châu, Sơn La với tổng ngân sách 39 tỷ đồng.

Vùng núi Tây Bắc Việt Nam là địa bàn thường gặp nhiều thiên tai, thảm họa như sạt lở đất, lũ quét, rét đậm, rét hại, mưa đá, cháy rừng,… nhưng chính quyền địa phương và người dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng để phòng ngừa, ứng phó và phục hồi.

Do đó, Dự án mang ý nghĩa lớn với cộng đồng, góp phần nâng cao khả năng thích ứng của nữ giới, nam giới và thanh thiếu niên vùng Tây Bắc đối với tác động của thiên tai, giúp tăng cường năng lực của chính quyền cũng như người dân các vùng dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương, nhằm giảm thiểu rủi ro và ứng phó thảm họa thông qua phương pháp tiếp cận có sự tham gia, có thể nhân rộng và lồng ghép giới.

Sau 42 tháng triển khai, Dự án đạt được rất nhiều kết quả tích cực như: 12 cuộc Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực ứng phó với thảm họa dựa vào cộng đồng (VCA) và Đánh giá Rủi ro Thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRA) được thực hiện, với sự tham gia của 2.294 cán bộ, người dân.

2 đội Ứng phó thảm họa cấp tỉnh, 12 đội Cộng đồng ứng phó với thảm họa (CADRE) với tổng số 320 thành viên được thành lập, tập huấn, cung cấp trang thiết bị.

55.000 người dân và 2.063 học sinh tiểu học được trang bị kiến thức về phòng ngừa thiên tai, thảm họa và nâng cao bình đẳng giới.

44 đề xuất tiểu Dự án tại xã và trường học được tài trợ thực hiện với số người hưởng lợi trên 3.500 người dân và 5.000 học sinh.

36 cuộc diễn tập ứng phó với thiên tai, thảm họa được tổ chức với 2.245 người dân và 2,840 học sinh, thầy cô giáo tiểu học tham dự.

48 giáo viên được tập huấn về kiến thức phòng ngừa thiên tai, thảm họa và trường học an toàn và 288 giáo viên được tập huấn sơ cấp cứu.

Khung can thiệp lồng ghép giới được xây dựng và triển khai một xuyên suốt tất cả các hoạt động của Dự án.

Một số thành tựu nổi bật nhật của Dự án là đã hình thành những đội ngũ cán bộ có năng lực trong công tác phòng ngừa và ứng phó thiên tai, thảm họa từ cấp tỉnh đến cấp cộng đồng; Các công trình giúp giảm nhẹ mức độ dễ bị tổn thương của cộng đồng; Chiến dịch nâng cao nhận thức về phòng tránh thiên tai, thảm họa với bộ công cụ truyền thông dành riêng cho người dân Tây Bắc Việt Nam; Yếu tố giới được cân nhắc và lồng ghép trong tất cả các hoạt động của Dự án.

Sau quá trình triển khai Dự án, tại hai tỉnh đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ trẻ, năng động và có kiến thức, kinh nghiệm dày dặn trong công tác phòng ngừa và ứng phó thiên tai, thảm họa.

Các công trình giúp giảm nhẹ mức độ dễ bị tổn thương của cộng đồng được Dự án hỗ trợ dựa trên nhu cầu thực tế của người dân và chính quyền địa phương đề xuất, triển khai thực hiện, đối ứng ngân sách và công lao động, giám sát và đánh giá, quản lý và bảo dưỡng.

Những công trình như: cầu dân sinh, kè chắn lũ, kè chống sạt lở, mương thoát lũ, công trình nước sạch, nhà sơ tán cộng đồng, hệ thống cảnh báo thiên tai bằng loa truyền thanh không dây,... không những làm tăng năng lực phòng chống thiên tai, thảm họa của cộng đồng mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân. Với cùng phương pháp tiếp cận có sự tham gia, tại trường học, Dự án đã hỗ trợ các công trình như xây kè chống sạt lở, gia cố hệ thống mái nhà, gia cố lan can, sửa chữa hệ thống điện, kiên cố hóa sân trường, xây dựng nhà vệ sinh, sửa chữa công trình nước, v.v, giúp nhà trường sẵn sàng hơn trong việc đối phó với thiên tai, thảm họa cũng như nâng cao chất lượng dạy và học tại nhà trường.

Đồng thời, chiến dịch nâng cao nhận thức về phòng tránh thiên tai, thảm họa cho người dân nông thôn vùng núi Tây Bắc được triển khai nhằm trang bị cho người dân kiến thức và kỹ năng chủ động bảo vệ tài sản và tính mạng của gia đình và người thân trước thiên tai.

Ông Eric Legendre - Trưởng đại diện Hội Chữ thập đỏ Pháp tại Việt Nam cho rằng, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là nhân tố quan trọng giúp duy trì tính bền vững của Dự án.

Ông chia sẻ: “Dự án này mang tính chất thí điểm, vẫn còn nhiều địa bàn khác dễ bị tổn thương và chưa có nhiều năng lực ứng phó với thiên tai ở Việt Nam. Việc phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp đảm bảo tính bền vững của Dự án. Hiện nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có đầy đủ phương pháp, nguồn nhân lực và công cụ để nhân rộng những hoạt động này ở các khu vực dễ bị tổn thương khác ở Việt Nam. Điều họ còn thiếu chỉ là ngân sách để thực hiện chúng.”