Câu chuyện Thổ Nhĩ Kỳ

Đặng Thu Hằng
Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra đời cách đây 155 năm, từ năm 1868, với mục tiêu ban đầu là trợ giúp thương bệnh binh, sau đó phát triển các hoạt động phòng ngừa ứng phó thiên tai thảm họa, trợ giúp những người dễ bị tổn thương và hỗ trợ di dân. Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ kỳ là một trong những hội quốc gia có bề dày lịch sử và hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực phòng ngừa ứng phó thiên tai thảm họa, hiến máu nhân đạo, sơ cấp cứu, xe cứu thương, tạo nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh.

Là một quốc gia có diện tích gần gấp đôi Việt Nam, đứng thứ 37 thế giới; dân số là 87 triệu người, nằm trên cả lục địa Châu Âu và Châu Á, với 3 mặt giáp biển, từng là ngã tư đường giữa các trung tâm kinh tế, nơi phát sinh cũng là nơi từng xảy ra các trận chiến giữa các nền văn minh lớn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi chịu nhiều trận động đất mạnh… đó cũng là lý do Hội Trăng lưỡi liềm đỏ xuất hiện rất sớm, hoạt động bền bỉ, liên tục và ngày càng phát triển mạnh cho đến ngày nay.

Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ có cơ cấu tổ chức khá đặc biệt, điển hình ở các nước có thể chế chính trị đa nguyên. Chủ tịch đương nhiệm hoạt động theo cơ chế tình nguyện viên. Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký điều hành toàn bộ các lĩnh vực thuộc về chức năng nhân đạo của Hội quốc gia, như các hoạt động liên quan đến phòng ngừa ứng phó thảm họa, trợ giúp nhân đạo, hiến máu tình nguyện, sơ cấp cứu…. Phó Chủ tịch chuyên trách thực hiện vai trò Tổng Giám đốc điều hành hoạt động kinh doanh: sản xuất lều, bạt, công-tơ-nơ nhà ở cho người dân cần chỗ ở; sản xuất các loại nước đóng chai; điều hành các bệnh viện, các cơ sở tiếp nhận, sàng lọc, xét nghiệp, sản xuất và cung cấp máu cho hầu hết các bệnh viện tại Thổ Nhĩ Kỳ; cung ứng trang phục, đồng phục, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, khẩu trang, cung cấp các túi đựng thi thể nạn nhân…, cung cấp dịch vụ hậu cần (logictic) theo nhu cầu của xã hội và cho các tổ chức khác. Khả năng nhạy bén trong kinh doanh, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ đã là nhà cung cấp hậu cần, logictic phục vụ các lĩnh vực hoạt động nhân đạo cho chính phủ và các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, … đồng thời đang có ý định mở rộng sản xuất các thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác hiến máu; cung cấp các sản phẩm “xanh - green” trong hoạt động nhân đạo…

tnk-16-1686714012.jpeg
Các hoạt động cung cấp bữa ăn miễn phí cho các đối tượng.

Hội quản lý, điều phối lực lượng tình nguyện viên, các trung tâm theo các lĩnh vực chức năng của Hội trên địa bàn cả nước, có phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc và các đơn vị hành chính tương đương quận, huyện, kết nối với cộng đồng. Với 15.000 cán bộ, 100.000 tình nguyện viên hoạt động, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ đã chủ trì và điều phối phối hợp rất hiệu quả, chuyên nghiệp trong trận động đất chưa từng có trong gần 100 năm trở lại đây.

Trận động đất xảy ra ngày 6/2/2023 tại 11 tỉnh/ thành phố (Adıyaman, Hatay, Kahramanmaraş, Kilis, Osmaniye, Gaziantep, Malatya, Şanlıurfa, Diyarbakır, Elazığ and Adana) với 16 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp, 9,1 triệu người bị ảnh hưởng gián tiếp; 132.271 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn. Ngay khi động đất xảy ra, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp với AFAT (Cục Cứu hộ, cứu nạn của Thổ Nhĩ Kỳ) và các tổ chức tham gia cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân: sơ tán dân đến nơi an toàn, cung cấp lều, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ về tâm lý, cung cấp máu cho các bệnh viện... Đặc biệt, Hội đảm nhận chính trong việc cung cấp hàng triệu xuất ăn dinh dưỡng cho người dân. Mỗi ngày, Hội tổ chức các điểm sản xuất, chế biến các bữa ăn theo thực đơn cho hàng triệu người dân đang sinh sống tạm trong các công-tơ-nơ, lều tạm và lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ còn cung cấp các hoạt động hỗ trợ sức khỏe, tâm lý cho người dân, cung cấp các ứng dụng công nghệ như tổ chức hàng trăm trung tâm trực điện thoại 24h/7 ngày, kết nối mạng xã hội, bản tin hàng ngày, ứng dụng whatsapp… để người dân có thông tin liên lạc, tiếp cận các nhu cầu thiết yếu về chỗ ở, bữa ăn, chăm sóc sức khỏe… cho nạn nhân và gia đình họ. Hội Trăng lưỡi liềm đỏ còn tổ chức các chợ xã hội ( cố định và di chuyển) với sự cung ứng hàng hóa (không đồng) của các doanh nghiệp cho người dân đến tự chọn các mặt hàng phù hợp với nhu cầu…Với vai trò của tổ chức xã hội nhân đạo quốc gia, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ đã vận động Hiệp hội, các hội quốc gia và sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp trên 150 triệu đô la Mỹ. Hội Chữ thập đỏ các quốc gia, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức đã cử cán bộ, tình nguyện viên sang tham gia trực tiếp vào quá trình cứu trợ, phục hồi và tái thiết.

j1-1686714183.jpg
Các hoạt động cung cấp bữa ăn miễn phí cho các đối tượng.

Trận động đất ngày 6.2.2023 cùng 38.000 cơn di chấn sau đó đã gây nên những thiệt hại to lớn về người và tài sản, phá hủy nhiều công trình, hạ tầng cơ sở cũng cho thấy những nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ, người dân và tinh thần đoàn kết của cộng đồng quốc tế đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng khắc phục hậu quả, tiến hành phục hồi và tái thiết nhanh chóng. Hội Trăng lưỡi liềm đỏ đã ứng phó nhanh, nhưng nhu cầu cứ trợ, phục hồi và tái thiết còn quá lớn nên bên cạnh thế mạnh về nguồn lực, cơ chế hiện có, bạn vẫn đang cần sự trợ giúp để sớm ổn định chỗ ở, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Bài học rút ra trong quá trình Hội Trăng lưỡi liềm đỏ thực hiện sứ mệnh của mình là gì?

tw-hoi-tlld-3-1686714013.JPG
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm việc với Ban lãnh đạo Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ về các hoạt động ứng phó khẩn cấp và phục hồi tái thiết sau động đất.

Đầu tiên, tổ chức mạnh với cơ cấu tổ chức phù hợp, nhân lực chuyên nghiệp, có nền tảng pháp lý vững chắc, kiên trì với sứ mệnh của tổ chức, có uy tín và vị thế trong nước và quốc tế; Thứ hai, nguồn lực mạnh bằng năng lực tự chủ và khả năng vận động nguồn lực tốt để luôn sẵn sàng trong bất cứ tình huống thiên tai, thảm họa nào có thể xảy ra; Thứ ba, tính thích ứng và tranh thủ thời cơ trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi; thông tin thông suốt, toàn diện, đầy đủ, hướng dẫn kịp thời trong mọi hoạt động.

BTT