Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ do tắc nghẽn đường thở. Người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng ngưng thở từ 5 - 10 giây hay giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm.
Ngáy khi ngủ có đáng lo?
Ngáy là tình trạng phổ biến thường gặp khi ngủ. Tuy nhiên, ngáy cũng là dấu hiệu điển hình cảnh báo hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường hô hấp một phần hoặc toàn phần.
Chuyên gia về giấc ngủ Rebecca Robbins, giảng viên Khoa Y học giấc ngủ của Trường Y Harvard, cho biết: “Ngáy có thể là tình trạng bình thường và không cần quá lo ngại. Tuy nhiên, nếu tiếng ngáy to, khàn hoặc bị gián đoạn do ngừng thở, đây chính là lúc chúng ta cần lo lắng”.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra khi lưỡi và các mô mềm ở hầu họng giãn ra, gây tắc nghẽn một phần hoặc tắc nghẽn hoàn toàn đường thở. Người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng ngừng hô hấp từ 5 - 10 giây hoặc hơn trong khi ngủ. Bệnh nhân có dấu hiệu như thở phì phò, hổn hển, ngáy to khi nằm ngửa và giảm khi nằm nghiêng.
Những người mắc hội chứng này có giấc ngủ rối loạn, chất lượng giấc ngủ kém. Việc ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra một đến nhiều lần trong một đêm, dẫn đến việc cơ thể thiếu oxy và gây mệt mỏi.
Tuy nhiên, nhiều người không thể ý thức được mình mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Theo PGS.TS Raj Dasgupta, Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California, lúc này, bạn cần nhờ tới khả năng quan sát của chồng hoặc vợ - những người nằm chung giường với bạn để phát hiện ra dấu hiệu cảnh báo hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Nguy cơ sức khỏe từ hội chứng ngưng thở khi ngủ
Theo Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ, nếu không được điều trị, hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tăng nguy cơ cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường loại 2 hoặc trầm cảm, thậm chí tử vong sớm.
Nồng độ oxy trong máu giảm đột ngột xảy ra trong quá trình ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn làm tăng huyết áp và căng thẳng hệ thống tim mạch. Nhiều người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể bị huyết áp cao (tăng huyết áp), từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim và đột quỵ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở cũng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, tức là nhịp tim thay đổi bất thường. Tình trạng rối loạn nhịp tim lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài có thể dẫn đến đột tử.
Chad Denman, chuyên gia về giấc ngủ tại Trung tâm Sleep Cycle, Texas, Hoa Kỳ, nói: “Ngưng thở khi ngủ có liên quan trực tiếp tới nguy cơ tử vong. Những người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở có nguy cơ bị đau tim hoặc tử vong sớm cao hơn 30%, với tỷ lệ tử vong cao nhất ở độ tuổi 55”.
Ngưng thở khi ngủ có thể trực tiếp gây ra tử vong khi quá trình hô hấp không được diễn ra liên tục, dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ ở tim hoặc não.
“Chứng ngưng thở khi ngủ cũng có liên quan đến các bệnh lý khác như bệnh tim, bệnh tuyến giáp, tăng huyết áp và bệnh tiểu đường loại 2”, chuyên gia Denman nói thêm.
Dấu hiệu cảnh báo khác
Ngoài ngáy, hội chứng ngưng thở khi ngủ còn có thể được nhận biết thông qua một vài dấu hiệu sau.
1. Mệt mỏi
Người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thường có dấu hiệu mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày do có chất lượng giấc ngủ kém; giấc ngủ bị gián đoạn vào ban đêm. Điều này có thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc tập trung khi làm việc.
2. Thường xuyên buồn ngủ
Chuyên gia Robbins nói: “Buồn ngủ vào ban ngày có thể là một trong những dấu hiệu khác cảnh báo chứng ngưng thở khi ngủ. Bạn có thể chìm vào giấc ngủ bất cứ lúc nào kể cả khi ngồi nghỉ ngơi sau bữa trưa, ngủ gật trong rạp chiếu phim”. Do đó, thường xuyên buồn ngủ đi kèm với mệt mỏi là những dấu hiệu cảnh báo hội chứng ngưng thở khi ngủ mà bạn cần chú ý.
3. Đau đầu khi thức dậy
Đau đầu khi thức dậy có thể cảnh báo hội chứng ngưng thở khi ngủ. Tình trạng đau đầu xuất hiện do các bệnh nhân gặp khó khăn trong quá trình hô hấp khiến nồng độ oxy não giảm.
4. Huyết áp cao
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp. Khi một người ngừng thở trong vài giây, hệ thần kinh giao cảm của cơ thể sẽ hoạt động và làm tăng huyết áp.
Mặc dù tăng huyết áp không phải là dấu hiệu đặc thù của tình trạng rối loạn giấc ngủ, nhưng tăng huyết áp kết hợp với các dấu hiệu kể trên có thể cảnh báo cơ thể đang gặp vấn đề và bạn cần đi khám ngay.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Vì vậy, ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường trên cơ thể, bạn nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tin để nhận được sự tư vấn từ bác sĩ và tiến hành điều trị kịp thời.