TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm đã tiếp nhận 01 bệnh nhân nam 34 tuổi được chuyển đến từ tuyến trước trong tình trạng co giật nặng nề.
Trước đó, sáng ngày 2/3, bệnh nhân có mâu thuẫn với vợ, đến trưa cùng ngày đi uống rượu không rõ số lượng, sau đó về phòng. Khoảng 15h cùng ngày, người nhà phát hiện bệnh nhân nôn, lơ mơ, gọi hỏi không biết, phát hiện có vỏ gói thuốc diệt chuột Trung Quốc bên cạnh. Người nhà đưa bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa tỉnh với tình trạng co giật toàn thân. Bệnh nhân được cấp cứu ban đầu và chuyển Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm.
Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột, được đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng thuốc an thần, dùng thuốc chống co giật, hồi sức. Sau 1 tuần được điều trị, bệnh nhân đã đỡ co giật, tỉnh, được rút ống thở nhưng vẫn đang được theo dõi và điều trị tiếp.
Theo BS. Nguyên, chất độc bên trong gói thuốc diệt chuột cạnh bệnh nhân được gia đình thu lại và mang theo đến viện qua xét nghiệm tìm thấy chất Tetramine (tên đầy đủ Tetramethylenedisulfotetramine). Đây chính là loại hóa chất diệt chuột có nguồn gốc từ Trung Quốc rất phổ biển ở miền Bắc nước ta cách đây 20 năm trở về trước, đặc điểm loại hóa chất là ở thuốc diệt chuột dạng gói chứa bột trắng gây tình trạng co giật.
Tetramine tác dụng hệ thần kinh, gây co giật toàn thân nặng nề kiểu trạng thái động kinh. Ngộ độc xuất hiện rất nhanh, thường ngay khi đang ăn uống phải chất này nạn nhân bị co giật và ngã xuống, nhanh chóng tử vong do suy hô hấp.
Tetramine là hóa chất diệt chuột cực độc, đã bị cấm ở các nước, kể cả ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, khoảng năm 2003 trở về trước, tetramine là nguyên nhân chính gây ngộ độc và tử vong. Nguyên nhân có thể do tự tử, đầu độc hoặc sử dụng hóa chất diệt chuột tràn lan và không an toàn tại gia đình dẫn tới lẫn chất độc vào thức ăn. Nhiều gia đình khi đang ăn cơm thì tất cả ngã ra và co giật. Do việc xét nghiệm độc chất trước đây còn khó khăn, nên các vụ ngộ độc ban đầu thường cho là bí hiểm, thậm chí được thêu dệt và mang tính mê tín dị đoan. Do co giật xuất hiện rất nhanh, nặng nề nên tử vong cũng nhanh, tỷ lệ tử vong tính chung khoảng 50%, phần lớn ngay tại gia đình hoặc trên đường tới bệnh viện.
Đáng chú ý, gói hóa chất diệt chuột loại tetramin trước đây đóng gói to cỡ vài cm, nhưng do độc tính rất cao nên chỉ dính một chút bột vào thức ăn, nước uống đã có thể gây co giật và tử vong cho cả gia đình.
Loại hóa chất diệt chuột trên thường được bày bán và mua rất dễ dàng, có thể tại các quầy bán hóa chất bảo vệ thực vật, những người bán rong, quầy kinh doanh phân bón, giống cây trồng, kinh doanh thuốc thú y,…
Bên cạnh đó, Trung tâm chống độc ghi nhận Trifluoroacetate/trifluoroacetamide (hóa chất diệt chuột Trung Quốc ở dạng ống nước màu hồng, màu nâu, ống nước không màu và hạt gạo hồng, cũng đã bị cấm cách đây hơn 20 năm), vài năm gần đây xuất hiện trở lại, loại hóa chất này gây rung thất (mức độ loạn nhịp tim chết người), viêm cơ tim, suy tim cấp tính, tổn thương não, co giật,… và rất dễ tử vong. Việc mua bán hóa chất diệt chuột này cũng rất dễ dàng và phổ hiến hiện nay.
Trung tâm chống độc qua đây đề nghị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm việc nhập lậu và kinh doanh các hóa chất diệt chuột nêu trên. Người dân tuyệt đối không sử dụng các hóa chất này vì bất cứ mục đích gì.