Cảnh báo ngộ độc do uống rượu làm từ cồn công nghiệp - Methanol

Lã Thị Thúy Hằng
Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM xác định, rượu mà 8 sinh viên uống khiến 2 người tử vong, 4 người nguy kịch được làm từ Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, chất này rất độc với cơ thể người và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như Ethanol.

Liên quan đến sự việc 2 người tử vong và 4 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch, được hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TPHCM vì uống rượu chứa chất độc, các chuyên gia khuyến cáo các triệu chứng gặp phải khi uống rượu chứa độc để nhập viện kịp thời.

Methanol là hóa chất lỏng và là nguồn năng lượng bắt nguồn từ khí thiên nhiên, than, chất thải sinh học và CO2, được sử dụng rộng rãi làm nguyên liệu hóa học và ứng dụng làm năng lượng sạch cho môi trường (nhiên liệu vận tải, nhiên liệu hàng hải, pin năng lượng mặt trời, phát điện, nấu ăn...).

a2-1659797583.jpg

Bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol cấp cứu tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.

Methanol ở dạng rượu cồn đơn giản nhất, là chất lỏng nhẹ, bay hơi, không màu, dễ cháy với mùi vị đặc trưng rất giống với ethanol (loại rượu uống được). Methanol là sản phẩm phụ của quá trình chưng cất rượu và là chất lỏng đầu tiên ngưng tụ khi rượu được nấu theo cách chưng cất truyền thống.

Tuy nhiên, không giống rượu ethanol, methanol có độc tính cao và không thích hợp để uống. Methanol tinh khiết có mùi thoang thoảng ngọt ở nhiệt độ môi trường xung quanh; methanol thô có thể có mùi hăng, khó chịu. Methanol được dùng rộng rãi trong sơn, chất tẩy sơn và dung môi trong công nghiệp.

Theo TS.BS Huỳnh Văn Ân – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bình Dân TP HCM cho biết, bệnh nhân ngộ độc Methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì do tình trạng toan máu nặng suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao hoặc nếu qua cơn nguy kịch cứu được tính mạng thì để lại các biến chứng mờ mắt. Ngộ độc rượu là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống vượt quá mức chấp nhận của cơ thể dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác. Khi phát hiện các triệu chứng ngộ độc như trên, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, cảnh báo liên tiếp nhiều vụ ngộ độc rượu trong thời gian qua có liên quan methanol, điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng rượu giả giết người đang rộ trở lại, rượu pha chế từ cồn công nghiệp trước đây chỉ xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc nhưng nay đang xâm nhập các tỉnh phía Nam. Người dân cần lưu ý khi sử dụng và mua các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trước đó, khoảng 16h chiều ngày 5/8, các bệnh nhân ngộ độc rượu tại TP HCM nhập Bệnh viện Lê Văn Việt trong tình trạng đau đầu, lơ mơ. Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau nhập viện 1 bệnh nhân hôn mê sâu và tử vong. Các bệnh nhân còn lại sau khi được thăm khám bước đầu tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (3 ca) và Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (1 ca) cấp cứu.

Khai thác bệnh sử, được biết nhóm 8 người đều là sinh viên, có làm thêm và rủ nhau uống rượu tại 1 quán trên đường Tăng Nhơn Phú B. Sau đó, 1 trường hợp tử vong tại phòng trọ và 1 trường hợp tử vong tại Bệnh viện Lê Văn Việt vì quá nặng. 6 người còn lại có biểu hiện đau bụng, chóng mặt, nôn ói nhiều, có uống thuốc nhưng không hết.

T.Hằng