Cần xóa “điểm đen” để đảm bảo an toàn giao thông

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Thực hiện xóa “điểm đen” là một trong những giải pháp kéo giảm tại nạn giao thông (TNGT). Vậy nhưng, nhiều “điểm đen” đã được xử lý dứt điểm, song mỗi năm lại phát sinh hàng trăm điểm.

Giữa tháng 7 vừa qua, Sở GTVT TP.HCM đã công bố xóa “điểm đen” TNGT trên cầu Bình Lợi 1, quận Bình Thạnh. Việc công bố xóa “điểm đen” TNGT trên cầu Bình Lợi 1 dựa trên cơ sở thống nhất giữa Ban An toàn giao thông TP.HCM và Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM.

Trước đó vào đầu tháng 4, Sở GTVT TP.HCM cho biết cũng đã xóa 4 “điểm đen” TNGT, gồm: Giao lộ Hàm Nghi -  Tôn Đức Thắng (quận 1), giao lộ đường D2 - D7 thuộc Khu công nghệ cao TP (quận 9), trước số 186 đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quản Trọng Linh (huyện Bình Chánh). Theo Sở GTVT TP.HCM,  trong vòng 12 tháng kể từ ngày xác lập “điểm đen”, 4 khu vực này đã không xảy ra vụ TNGT nào. Trong thời gian tới, Sở GTVT TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi, xử lý kịp thời các bất cập về mặt hạ tầng phát sinh ở các “điểm đen” đã xóa.

Tính trong 6 tháng đầu năm 2020, TP.HCM không phát sinh thêm “điểm đen” TNGT mới. Hiện toàn TP.HCM chỉ còn 7 “điểm đen” TNGT là: Trước số 235 Nguyễn Văn Cừ (quận 1), đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ Yersin đến đường Nguyễn Thái Học, quận 1), nút giao Mỹ Thủy (quận 2), cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5), đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9), cầu Sài Gòn 2 (quận Bình Thạnh), vòng xoay An Sương (quận 12, huyện Hóc Môn). Giữa tháng 7 vừa qua, Ban quản lý Dự án các công trình giao thông TP.HCM đã thông xe nhánh hầm chui còn lại (nhánh N2) thuộc dự án nút giao An Sương, đồng thời kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực giao thông và xóa “điểm đen” tai nạn trong nhiều năm qua tại khu vực cửa ngõ Tây Bắc thành phố.

0_0-anh-anh-aa_1
Việc thông 2 nhánh xe hầm chui An Sương được kỳ vọng sẽ xóa “điểm đen” tai nạn giao thông tại cửa ngõTây Bắc TP.HCM. Ảnh: ST

Theo ông Vũ Ngọc Lăng Vụ trưởng vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, trong 5 năm gần đây, cả nước đã xóa được hơn 1.000 “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất ATGT. Tuy nhiên, hàng năm lại phát sinh từ 70 - 80 “điểm đen” và hàng trăm điểm tiềm ẩn mới.

“Mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xóa triệt để các “điểm đen” phát sinh và đặc biệt sẽ xử lý ngay những điểm tiềm ẩn. Trong nguồn vốn bảo trì, ưu tiên số một thực hiện xóa các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, sau đó mới đến bảo trì thoát nước, xử lý mặt đường”, ông Lăng nói.

Tuy nhiên, theo ông Lăng, “điểm đen” TNGT có nguyên nhân trực tiếp do hạ tầng chỉ chiếm 3 - 4%; 5 - 8% do phương tiện. Còn lại khoảng 70% là do ý thức người tham gia giao thông và các nguyên nhân khác.

Sẽ khó xử lý hết được “điểm đen” TNGT vì đặc thù giao thông Việt Nam có nhiều điểm giao cắt đồng mức nảy sinh các điểm tiềm ẩn, nếu không tổ chức giao thông tốt sẽ biến thành “điểm đen” TNGT.

Để cải thiện về hạ tầng, xóa “điểm đen”, đảm bảo ATGT trên các cung đường đèo dốc, Bộ GTVT và các chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, do nút thắt về vốn đã khiến nhiều dự án xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT kéo dài. Hiện nay, vốn bảo trì đường bộ chỉ chiếm từ 1,5-2% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thế nhưng cũng mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu.

Trong khi đó xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn lại vướng nhiều thủ tục, thậm chí lắp camera hay lắp đặt các biển báo, đinh phản quang sẽ bị “tuýt còi” vì không đúng tiêu chí nguồn vốn bảo trì hay muốn làm thì phải lập dự án đầu tư xây dựng cơ bản và trình trình kế hoạch trước cả năm. Để tránh có thêm các vụ TNGT đáng tiếc chỉ vì chờ duyệt, Bộ GTVT cần xem xét nới lỏng trình tự thủ tục đầu tư xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn. 

Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu kéo giảm TNGT cần một loạt giải pháp đồng bộ về quy hoạch giao thông, đầu tư hạ tầng, đăng kiểm phương tiện, đào tạo sát hạch lái xe, đặc biệt là tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông cũng như bảo đảm nghiêm minh việc thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân là việc làm lâu dài, không thể ngày một ngày hai mà phải là cả một quá trình. Trước mắt, công tác tuần tra xử lý vi phạm của lực lượng CSGT trên các tuyến đường cần thực hiện thường xuyên hơn nữa, ngay cả những khu vực không có tai nạn và cũng không đợi đến thời điểm xuất hiện khu vực nguy hiểm mới tăng cường kiểm soát. 

Vấn đề nữa đó là cần nắn chỉnh ý thức của người tham gia giao thông bằng việc lắp đặt hệ thống camera an ninh để giám sát và phạt nguội thật nặng, để người dân nhận thức rõ là mình luôn được giám sát. Ngoài ra, tăng cường hệ thống cảnh bảo từ xa tại những cung đường đèo dốc nguy hiểm; tăng cường đào tạo kỹ năng lái xe trong điều kiện thời tiết xấu và trên những cung đường đèo dốc. Đặc biệt, trong chương trình sửa Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT đã bổ sung thêm các quy định về đường đèo dốc trong chương trình đào tạo sát hạch lái xe. 

Ngọc Tuấn