Cần tăng cường kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm được đưa vào các trường học

Lã Thị Thúy Hằng
Năm học mới 2022-2023 cùng với việc dạy và học, vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm của nhiều phụ huynh có con học bán trú.

Kiểm tra, giám sát thường xuyên

Trên toàn thành phố Hà Nội hiện có 4.526 cơ sở giáo dục, gồm các cơ sở mầm mon, tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có hơn 6.700 bếp ăn.

a2-1664956811.jpg

Đoàn kiểm tra bếp ăn trường học trên địa bàn thành phố. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.

Thông tin trên Báo Hà Nội Mới, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian qua, hai ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường phối hợp kiểm tra cơ sở vật chất bếp ăn bán trú của các trường học trên địa bàn. Thực tế kiểm tra cho thấy, điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường hiện đã được đầu tư nâng cấp, bảo đảm trang thiết bị bếp ăn an toàn. Ngoài ra, qua kiểm tra về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, các nhà trường đều rất quan tâm và tuân thủ các quy định về việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Ông Kiều Cao Trinh, Phó Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng - khoa học, công nghệ (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết thêm, vào đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế phối hợp ban hành kế hoạch liên ngành về công tác y tế trường học, trong đó đề ra mục tiêu bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học và các cơ sở giáo dục. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin của nhà trường. Qua đó, nghiêm cấm các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không bảo đảm đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho trường học. Khi phát hiện những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, các đơn vị cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Phó Trưởng phòng Y tế quận Đống Đa, ngay từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay, quận đã xây dựng các kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên đã đánh giá được thực trạng cũng như điều kiện của các trường, từ đó có biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn thực phẩm tốt nhất cho học sinh.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, đại diện Phòng Y tế huyện Đông Anh chia sẻ, hằng năm, huyện cũng đã ban hành văn bản về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú trường học; đồng thời tổ chức tập huấn các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho các cơ sở giáo dục, nhất là tăng cường tổ chức kiểm tra thường xuyên.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục kiện toàn Ban Chỉ đạo; phối hợp với cha mẹ học sinh kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát thực phẩm tại các cơ sở giáo dục… Khi phát hiện vi phạm, chúng tôi kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định, công khai kết quả xử lý vi phạm trên các kênh thông tin đại chúng”, ông Nguyễn Đức Nghĩa nói.

Cần sự vào cuộc của “3 bên”

Vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng được nhìn nhận có tầm quan trọng đặc biệt. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn đối với việc cải thiện sức khỏe con người và chất lượng cuộc sống cũng như về lâu dài, đối với sự phát triển giống nòi của dân tộc. Tại Hà Nội, công tác quản lý an toàn thực phẩm thời gian qua đã được chú trọng, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể đã được kiểm soát. Tuy nhiên, trong những năm qua, ngộ độc thực phẩm tại trường học vẫn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn trường học trong thời gian tới cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ 3 phía (cơ quan chức năng, nhà trường và cha mẹ học sinh). Về phía cơ quan chức năng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong nhấn mạnh, cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm được đưa vào các trường học, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm khắc các đơn vị vi phạm. Đối với các nhà trường cũng cần quan tâm đầu tư trang thiết bị chế biến thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ công tác vệ sinh cá nhân, chế biến thực phẩm theo quy định; phát huy mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm... Đặc biệt, các trường học có bếp ăn tập thể phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn…

Nhiều ý kiến cho rằng, các trường học nên phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn. Mặt khác, các trường học nên nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước (kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu) theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Ngoài ra, bất cứ sản phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, gửi đến cơ quan chức năng để tiến hành kiểm tra, xét nghiệm.

L.Hằng