Cần sớm đánh giá lại miễn dịch cộng đồng sau một thời gian dài tiêm vaccine Covid-19

Lã Thị Thúy Hằng
Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng vương và 30/4-1/5 năm nay được nghỉ 5 ngày, nhiều địa phương tổ chức các hoạt động vui chơi để kích cầu du lịch. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm người dân đi lại giao lưu, đám đông tụ tập nhiều, sau nghỉ lễ sẽ tăng ca mắc và có thể có làn sóng dịch mới. Đặc biệt khi Ấn Độ đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.16 là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột ngột số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này và một số nước khác. Khi hoạt động giao thương, đi lại tăng cao, biến thể phụ này có thể xâm nhập vào Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 mới tăng gấp 7 lần so với một tuần trước đó. Đáng nói, số ca mắc mới được ghi nhận tăng dần theo từng ngày. Tính riêng ngày 15/4, cả nước có 775 ca mắc COVID-19, 10 bệnh nhân nặng, trong đó 8 ca thở oxy qua mặt nạ và 2 ca thở oxy dòng cao HFNC. Từ tháng 4 đến nay, COVID-19 bắt đầu tăng nhanh, nhiều người lo ngại về một làn sóng dịch mới.

Nên đánh giá lại miễn dịch cộng đồng

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số ca mắc COVID-19 nặng phải nhập viện đều là người có bệnh nền, mới tiêm 2-3 mũi vaccine, thậm chí có người chưa tiêm mũi vaccine nào. Nếu trước đây, chỉ lác đác mới có ca COVID-19 phải nhập viện, thì nay số ca phải nhập viện, thở oxy tăng lên nhanh.

a5-1681723604.jpg

Tăng cường tiêm vaccine Covid-19 cho đối tượng dễ bị tổn thương. Ảnh: Nhân dân.

Lý giải về nguyên nhân tăng ca mắc, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trên thế giới cũng có những làn sóng dịch COVID-19 tăng hay giảm, Việt Nam hiện cũng vậy. Việc tăng các ca mắc không phải là điều bất thường. Một trong những nguyên nhân tăng đột biến ca nhiễm, do miễn dịch từ tiêm vaccine và nhiễm COVID-19 suy giảm, cùng với việc người dân tăng giao lưu đi lại, tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 lây lan. Đồng thời, người dân hầu hết đều chủ quan, lơ là, không thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh, không sử dụng khẩu trang nơi công cộng, quên các biện pháp vệ sinh tay, khử khuẩn thường xuyên. Đặc biệt, hiện nay triệu chứng COVID-19 như cúm, phần lớn mọi người tự điều trị, hoặc không test COVID-19, nên virus càng lây lan nhanh hơn khi không có biện pháp phòng bị.

Hiện nay, nhiều người có bệnh nền cũng không tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 vì cho rằng bệnh nhẹ, hoặc không mắc lại, hoặc vaccine gây ra nhiều tác dụng phụ làm “sức khoẻ yếu”… Có người mắc lần hai đã phải nhập viện vì miễn dịch của vaccine đã yếu đi, bệnh nặng hơn. Theo ông Phu, thời điểm này, Việt Nam cần đánh giá lại miễn dịch cộng đồng xem chủng mới vô hiệu hoá vaccine hay không. Đồng thời, ngành y tế cần đánh giá lại việc tiêm vaccine theo lịch. Bởi COVID-19 sẽ không mất đi, việc tiêm vaccine là vẫn cần thiết. Quan trọng xác định tiêm cho đối tượng nào, lịch tiêm ra sao, đặc biệt lưu tâm đến nhóm người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch…

“Mặc dù những ca mắc đợt này đều có triệu chứng nhẹ, nhưng không chủ quan bởi những nhóm người dễ bị tổn thương như người già, bệnh nền thì triệu chứng nặng lên khi nhiễm COVID-19”, ông Phu cho biết.

Khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng

Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng vương và 30/4-1/5 năm nay được nghỉ 5 ngày, nhiều địa phương tổ chức các hoạt động vui chơi để kích cầu du lịch. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm người dân đi lại giao lưu, đám đông tụ tập nhiều, sau nghỉ lễ sẽ tăng ca mắc và có thể có làn sóng dịch mới. Đặc biệt khi Ấn Độ đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.16 là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột ngột số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này và một số nước khác. Khi hoạt động giao thương, đi lại tăng cao, biến thể phụ này có thể xâm nhập vào Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tuy Omicron vẫn là chủ đạo, nhưng liên tục xuất hiện các biến thể mới của chủng virus này. Với XBB.1.16 không đáng lo ngại lắm, dù lây lan nhanh, nhưng nó vẫn là biến thể của chủng Omicron. Hiện, XBB.1.16 chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng. Dẫu chưa đáng quan ngại, nhưng điều quan trọng là phải bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, đợt tăng ca nhiễm mạnh này là một làn sóng dịch mới, tuy nhiên, không quá quan ngại bởi chúng ta có lợi thế hiểu biết về COVID-19, năng lực phòng, chống dịch tăng lên, cách đáp ứng linh hoạt hơn. Dù số ca mắc có gia tăng, nhưng không để bùng dịch lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay là số ca tử vong tăng như đợt dịch của TP Hồ Chí Minh và miền Nam trước đây. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, phải chủ động dự phòng vệ sinh cá nhân như đeo khẩu trang, khử khuẩn. Những người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 nên test nhanh để có biện pháp phòng bệnh, chống lây nhiễm. Mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình, cộng đồng, nhất là bảo vệ những người dễ bị tổn thương (người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…) và tuân thủ lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế. Trong dịp nghỉ lễ sắp tới, chuyên gia khuyến cáo người dân phải thực hiện tốt phòng bệnh khi đi lại.

a6-1681723700.jpg

Bộ Y tế cũng đưa ra thông điệp phòng, chống dịch trong tình hình mới, theo đó khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.

Trước sự gia tăng ca mắc COVID-19, Bộ Y tế cũng đưa ra thông điệp phòng, chống dịch trong tình hình mới, theo đó khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Đặc biệt, bắt buộc đeo khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19; các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc 4.

Theo chuyên gia dịch tễ, thời gian tới, Việt Nam vẫn nên tiếp tục giám sát sự lưu hành của COVID-19 để có đủ điều kiện, đủ năng lực ứng phó khi có bất cứ sự thay đổi nào về mô hình dịch cũng như chủng virus để đánh giá đúng nguy cơ. Nếu đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch, nếu đánh giá nguy cơ cao quá dẫn tới đáp ứng thái quá, dẫn đến cấm đoán, gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân.

T.Hằng