Nâng cao năng lực truyền thông về an toàn thực phẩm

Lã Thị Thúy hằng
Hưởng ứng Ngày an toàn thực phẩm thế giới lần thứ 4, sáng ngày 7/6 đã diễn ra tọa đàm “Chuyển tải thông điệp an toàn thực phẩm tới công chúng thông qua tăng cường hợp tác giữa nghiên cứu và báo chí - trường hợp thực phẩm có nguồn gốc động vật”.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ dự án “Các phương pháp dựa vào thị trường nhằm cải thiện mức độ an toàn của thịt lợn tại Việt Nam” (gọi tắt là SafePORK), do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ và được đồng tổ chức bởi Trường đại học Y tế Công cộng (HUPH), Hội Nhà báo Việt Nam và Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI).

Ở Việt Nam, nói về vấn đề an toàn thực phẩm công chúng quan tâm nhiều đến ô nhiễm hóa chất trong thực phẩm. Tuy nhiên, TS. Fred Unger - Trưởng dự án SafePORK, Trưởng đại diện ILRI tại Đông Nam Á cho biết: Các nghiên cứu gần đây cho thấy, những bằng chứng rõ ràng về ô nhiễm vi sinh trên thịt lợn, thịt gà và thịt bò. Lãnh đạo các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm và nhà báo cũng có xu hướng dễ hiểu lầm (về nguy cơ ô nhiễm hóa chất).

Các nghiên cứu cũng chỉ ra, công chúng có nhu cầu cao đối với thông tin về an toàn thực phẩm, cách thức để lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, thông tin hiện nay thường tập trung theo hướng phản ánh thông điệp mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân, gia đình phòng tránh những thực phẩm không an toàn. Vì vậy, người tiêu dùng nhiều khi chưa hiểu đúng, hiểu đủ về vấn đề.

Ông Trần Thái Sơn - Phó Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, những năm gần đây, người dân có nhu cầu lớn về thông tin an toàn thực phẩm, cũng như cách thức lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, các thông điệp hiện nay chủ yếu mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học, giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân và gia đình.

"Chúng ta cần nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong việc định hướng thông tin một cách khoa học và có trách nhiệm tới cộng đồng về các vấn đề sức khỏe con người", ông Sơn nói.

Tại buổi tọa đàm, đại diện khu vực tư nhân cũng đã chia sẻ những thách thức và kiến nghị trong truyền thông nguy cơ về an toàn thực phẩm. Ông Trần Mạnh Chiến (CEO Bác Tôm) kiến nghị: Truyền thông tập trung thông tin vào dinh dưỡng sản phẩm cần được đo đếm ở các giai đoạn tiêu dùng khác nhau, với các kênh hàng khác nhau; tăng cường truyền thông tích cực về những đơn vị làm tốt thay vì chỉ tuyên truyền các vụ việc tiêu cực; phát triển từng chuỗi, từng kênh để làm điển hình…

Các nhà báo cũng có cơ hội trao đổi với một số chuyên gia đến từ Cục An toàn thực phẩm, nhóm công tác về an toàn thực phẩm tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới, Trường đại học Y tế Công cộng và khu vực tư nhân để hiểu rõ hơn về các khái niệm, định nghĩa về an toàn thực phẩm, cách thức truyền tải các bằng chứng khoa học trên phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng những kênh và chiến lược phù hợp.

a5-1654591420.jpg

ThS. Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ tại tạo đàm

Theo ThS. Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, các nghiên cứu chỉ ra rằng, công chúng có nhu cầu cao đối với thông tin về ATTP, cách thức để lựa chọn thực phẩm an toàn...

Thông tin báo chí mới chỉ phản ánh các thông điệp mang tính tiêu cực, chưa đưa ra được những bằng chứng khoa học, những thông tin tích cực giúp người tiêu dùng áp dụng trong cuộc sống hàng ngày như: cách lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm tốt, cách nhận biết những loại thực phẩm không an toàn.

Ông Hùng nêu ra một thực tế, truyền thông, báo chí đã không cân đo, đong đếm liều lượng thông tin một cách hợp lý. Khi người dân mở đài, đọc báo, xem thông tin trên mạng xã hội là thấy “thịt bẩn”, khiến họ hiểu rằng, cứ thịt lợn, thịt gà bán tại chợ dân sinh là bẩn; Đưa quá nhiều thông tin về các vụ việc bị phát hiện, về tác hại của “thịt bẩn” cũng khiến người tiêu dùng cảm thấy bế tắc, hoang mang, không biết phân biệt, lựa chọn thực phẩm như thế nào là đúng, là an toàn.

Theo ông Hùng, cần có giải pháp kết nối các nhà nghiên cứu và các cơ quan truyền thông, báo chí; Cần nâng cao tính định hướng khoa học và có trách nhiệm trong hoạt động truyền thông về ATTP. Quá trình truyền thông, báo chí phải lắng nghe phản hồi, điều chỉnh kịp thời để định hướng truyền thông mới đem lại hiệu quả tốt nhất.

Tọa đàm với nhận định của các chuyên gia, những khuyến nghị và kết quả mang lại đóng vai trò quan trọng cho những nỗ lực chung giữa nhà nghiên cứu và các nhà báo nhằm cải thiện công tác truyền thông những kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm tới công chúng.

LH