Cần hành động cấp bách để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Trẻ em là những người dễ bị tổn thương nhất. Bởi vì các em rất trong sáng, tin cậy. Các em không thể hiểu hết các rủi ro tiềm năng và những hậu quả của những hành động của các em trên môi trường mạng. Đây là điều đáng lo ngại. "Tất cả chúng ta cần hành động cấp bách", Phó Trưởng đại diện UNICEF nhấn mạnh.

Ngày 28/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" giai đoạn 2020-2025..

Cần có những hành động cấp bách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển con người. Theo số liệu năm 2019 của UNICEF và ITU, trên thế giới hiện có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi và cứ 03 người truy cập Internet thì có 01 trẻ em. Hiện nay, Việt Nam có hơn 24 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Đây là thế hệ đón nhận nhanh nhất và đồng thời chịu tác động mạnh mẽ nhất của công nghệ và Internet.

Trong cuộc sống thực, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều thiết chế như gia đình, họ hàng, người thân cho đến nhà trường, trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em... Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, trên môi trường mạng, còn thiếu rất nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em như cách chúng ta làm trong cuộc sống thực; trong khi đó, bất kỳ một trẻ em nào truy cập Internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng (cyberbullying), dụ dỗ qua mạng (grooming), lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng.

Về phía UNICEF, bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện tại Việt Nam cũng nhận định bên cạnh các cơ hội, Internet cũng mang lại những thách thức, mặt trái. Ví dụ trên toàn thế giới, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, luôn có 750.000 kẻ rình mò tình dục trẻ em trực tuyến. Số hình ảnh xâm phạm tình dục trẻ em được tải lên trên Internet mỗi ngày cũng đạt con số gần tương tự, trong đó có trẻ em dưới 2 tuổi.

Hàng ngàn trẻ em đang trở thành nạn nhân của bắt nạt và quấy rối từ các bạn đồng trang lứa – mà chúng ta gọi là "bắt nạt trên môi trường mạng". Chúng ta cũng biết rằng những kẻ xấu đang gia tăng rình rập trẻ em trên mạng, với mục đích lạm dụng tình dục trẻ em.

Theo U-Report, cuộc thăm dò ý kiến trẻ em và thanh thiếu niên ẩn danh của UNICEF, chỉ ra rằng 1 trong 5 trẻ em/thanh thiếu niên ở Việt Nam đã trở thành nạn nhân của việc đe dọa trực tuyến. Đáng lo ngại hơn, 3/4 trẻ em không biết nơi để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Bà Lesley Miller nhấn mạnh: Trẻ em là những người dễ bị tổn thương nhất. Bởi vì các em rất trong sáng, tin cậy. Các em không thể hiểu hết các rủi ro tiềm năng và những hậu quả của những hành động của các em trên môi trường mạng. Đây là điều đáng lo ngại. "Tất cả chúng ta cần hành động cấp bách", Phó Trưởng đại diện UNICEF nhấn mạnh.

Cũng theo bà Lesley Miller, 30 năm trước, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã ký Công ước quyền Trẻ em. Để thực hiện, chúng ta đã cam kết bảo vệ trẻ em khỏi những hình thức bạo lực, lạm dụng, thờ ơ và khai thác.

Trọng tâm của những cam kết đó có hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, trẻ em là trung tâm của giải pháp. Trong bối cảnh mà nhiều trẻ em Việt Nam kết nối mạng, các em cần phải biết cách tự bảo vệ mình và không bị lạm dụng bởi các bạn đồng trang lứa.

Thứ hai, chính phủ các nước không thể tự giải quyết riêng việc này. Chúng ta phải cùng phối hợp hoạt động.

Cần có những hành động cấp bách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - Ảnh 3.
Toàn cảnh Hội thảo

Bà cũng nhấn mạnh: cần phải sự hợp tác giữa Chính phủ, UNICEF, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự. Theo đó, chúng ta có sự phối hợp chuyên môn, kinh nghiệm và giải pháp cần thiết.

Theo đó, bà Lesley Miller nêu hai đề nghị:

Đầu tiên, giáo dục và trao quyền cho trẻ em theo một cách an toàn hơn. Trẻ em của chúng ta phải biết không được để lại thông tin cá nhân hay chấp nhận các yêu cầu kết bạn từ những người không biết và không tin tưởng. Trẻ em chỉ có thể làm được nếu có lời khuyên, thông tin đúng đắn và sự hỗ trợ kịp thời trong việc sử dụng các nền tảng phù hợp.

Thứ hai, các DN, khối tư nhân tham gia vào đảm bảo an toàn hơn cho trẻ em, các công ty công nghệ sáng tạo ra các hướng dẫn để phân loại, loại bỏ, ngăn chặn và gỡ bỏ các thông tin lạm dụng tình dục trẻ em và có nhiều sản phẩm, game, ứng dụng trực tuyến lành mạnh hơn dành cho trẻ em.

Ý thức được đây là vấn đề quan trọng có tính liên ngành cao, Bộ TT&TT đã thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Đề án với thành phần tham gia là các bộ, ngành, cơ quan liên quan của hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, cơ quan thường trực xây dựng Đề án - Cục ATTT - Bộ TT&TT, đã chủ động làm việc và nhận được sự phối hợp tích cực từ các chuyên gia, tổ chức, DN trong nước và quốc tế, trong đó có thể kể đến UNICEF Việt Nam, ChildFund, WorldVision, MSD, Microsoft Việt Nam...

 

 

Hải An