Cần gấp đôi lượng tiểu cầu vì dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh

Nguyễn Diệp Linh
Nhu cầu tăng cao do dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại Hà Nội và các địa phương với nhiều bệnh nhân diễn biến nặng.

Thông tin do PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cung cấp tại buổi họp báo chương trình Chủ nhật Đỏ chiều 12/12. Tuần qua, cả nước ghi nhận hơn 10.000 ca mới. Tính chung từ đầu năm đến nay, hơn 335.300 người mắc sốt xuất huyết (tăng gấp gần 5 lần so với năm 2021), 123 ca tử vong (tăng gần 100 ca).

Tại Hà Nội, số liệu ngày 12/12 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) cho thấy thành phố ghi nhận tổng cộng 16.314 ca mắc; 18 người tử vong.

Giảm tiểu cầu là một trong những biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Trong vụ dịch năm nay, không ít bệnh nhân sốt xuất huyết có tiểu cầu giảm nghiêm trọng về 1-3 G/L, thậm chí có bệnh nhân (57 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) có tiểu cầu về mức 0.

Tiểu cầu là các tế bào máu nhỏ được sản xuất từ tủy xương, có chức năng tham gia quá trình đông cầm máu. Số lượng tiểu cầu trung bình trong máu của một người khỏe mạnh là từ 150-450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50; mức nghiêm trọng là 10-20.

Số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ gây tình trạng xuất huyết, máu khó đông, khả năng chống nhiễm trùng của người bệnh cũng giảm.

Theo quy định của Bộ Y tế, người bệnh sốt xuất huyết nặng cần truyền tiểu cầu khi chỉ số này dưới 50 G/L và xuất huyết nặng hoặc có chỉ định chọc màng phổi, màng bụng. Bệnh nhân có tiểu cầu dưới 50 G/L nhưng chưa xuất huyết, cần xem xét trường hợp cụ thể.

Dự báo của CDC Hà Nội cho thấy dù đã chuyển mùa rét, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ tiếp tục ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Tính đến đầu tháng 12, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được hơn 33.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách từ người hiến máu toàn phần và gần 100.000 đơn vị từ người hiến tiểu cầu. Theo đại diện viện, nhu cầu tiểu cầu cung cấp cho người bệnh sốt xuất huyết thời gian này tăng hơn 2 lần so với bình thường.

"Đến nay, viện cung cấp đủ khối lượng tiểu cầu cho các bệnh viện", ông Thanh khẳng định. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp với nhiều ca bệnh nặng, tiểu cầu chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ từ 5-7 ngày, các bác sĩ kêu gọi những người đủ điều kiện sức khỏe hãy tích cực tham gia hiến tiểu cầu theo nhu cầu của các cơ sở y tế.

Theo VietNamNet