Các quy định về sử dụng Biểu tượng chữ thập đỏ tại Việt Nam

Lã Thị Thúy hằng
Biểu tượng chữ thập đỏ được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ; Biểu tượng chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động chữ thập đỏ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động chữ thập đỏ

Những cá nhân và phương tiện tài sản được quyền sử dụng Biểu tượng

1. Mục đích bảo vệ ( Kích thước lớn)

Các đơn vị y tế của các lực lượng vũ trang sẽ dùng biểu tượng như một phương tiện bảo vệ khi có xung đột.

Các đơn vị y tế của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia (bệnh viện, trạm cấp cứu...) và phương tiện giao thông vận tải (đường bộ, đường thuỷ, đường không) được giao nhiệm vụ cứu thương khi có xung đột được sử dụng biểu tượng như một phương tiện bảo vệ trong hoà bình và có sự cam kết của chính quyền.

Các bệnh viện dân sự đã được Chính phủ công nhận cũng được phép sử dụng biểu tượng như phương tiện bảo vệ.

Tất cả các cơ sở y tế dân sự (bệnh viên, trạm cấp cứu) được công nhận và được phép của các cấp chính quyền có thẩm quyền (Điều này chỉ liên quan đến các Chính phủ tham gia Nghị định thư bổ sung I).

Các tổ chức cứu trợ tình nguyện khác cũng hoạt động theo những điều kiện tương tự các Hội quốc gia: Họ phải được chính phủ công nhận và cho phép; Họ chỉ có thể dùng biểu tượng cho các trường hợp là nhân viên hoặc thiết bị phục vụ trong các đơn vị y tế của lực lượng vũ trang; Họ phải tuân theo các quy định và luật quân sự.

2. Mục đích nhận diện ( Kích thước nhỏ)

Các cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia có thể mang biểu tượng, thông thường có kích thước nhỏ khi làm nhiệm vụ. Khi không làm nhiệm vụ, họ có thể đeo biểu tượng rất nhỏ. Ví dụ: dưới dạng trâm cài đầu, ghim cài ve áo hoặc huy hiệu. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, biểu tượng sẽ được đeo cùng với tên đầy đủ hoặc chữ viết tắt tên Hội quốc gia.

Đội viên thanh thiếu niên Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ được phép sử dụng biểu tượng nhưng phải kèm theo các chữ Thanh thiếu niên Chữ thập đỏ hoặc Thanh thiếu niên Trăng lưỡi liềm đỏ hoặc các chữ viết tắt "TTN CTĐ - TLLĐ".

Những người được Hội quốc gia cho phép, những người đã tham gia các khoá học hoặc các kỳ thi của Hội quốc gia có thể đeo biểu tượng với kích thước nhỏ kèm tên hoặc chữ viết tắt tên Hội quốc gia.

Nhà cửa, trụ sở, tài sản được Hội quốc gia sử dụng có thể được đánh dấu bằng biểu tượng và kèm theo tên Hội quốc gia, dù những tài sản này có thuộc sở hữu của Hội hay không. Khi Hội quốc gia chỉ sử dụng một phần của toà nhà, thì biểu tượng sẽ được treo hoặc dán ở phần được Hội sử dụng. Biểu tượng nên có kích thước nhỏ, không nên dán, treo trên mái nhà để tránh trường hợp khi có xung đột vũ trang, sẽ có sự hiểu lầm biểu tượng được sử dụng với mục đích bảo vệ. Hội quốc gia không đánh dấu biểu tượng lên những toà nhà, tài sản thuộc về mình nhưng đã cho thuê mượn.

Các bệnh viện, trạm cấp cứu, xe cứu thương và các phương tiện vận chuyển khác do Hội quốc gia sử dụng có thể treo biểu tượng cùng với tên của Hội.

Các quy định về sử dụng Biểu tượng tại Việt Nam

Thấy rõ được tầm quan trọng của việc sử dụng đúng biểu tượng chữ thập đỏ, ngày 3 tháng 6 năm 2008, Luật hoạt động Chữ thập đỏ đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ III và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Tại Chương III (điều 14, 15 & 16) của Luật hoạt động Chữ thập đỏ có quy định:

Điều 14 quy định: “Biểu tượng chữ thập đỏ là hình chữ thập màu đỏ, trên nền trắng. Biểu tượng chữ thập đỏ đựợc tôn trọng và được pháp luật bảo hộ. Biểu tượng chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động chữ thập đỏ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động chữ thập đỏ. Trong các cuộc xung đột vũ trang, biểu tượng chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết và bảo vệ người, cơ sở và phương tiện, hiện vật mang biểu tượng này”.

Điều 15 quy định về việc sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ:

“Biểu tượng chữ thập đỏ được sử dụng khi tiến hành hoạt động chữ thập đỏ và tại cơ sở, trên phương tiện, hiện vật của Hội Chữ thập đỏ. Khi có xung đột vũ trang, biểu tuợng chữ thập đỏ được sử dụng theo quy định của các công ước Gio-ne-vo có liên quan, các nghị định thư bổ sung mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên".

Điều 16 quy định về Biểu tượng trăng lưỡi liềm đỏ, biểu tượng pha lê đỏ: “Biểu tượng trăng lưỡi liềm đỏ, biểu tượng pha lê đỏ do tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài thuộc Phong trào chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế sử dụng ở Việt Nam được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ”.

Trong lịch sử phát triển, Hội CTĐ Viêt Nam và Bộ Y tế đã có nhiều công văn quy định về việc sử dụng Biểu tượng tại Việt nam: Thông tư số 100/BYT-TT ngày 25/02/1958, Thông tư số 01/BYT-TT ngày 16/02/1959, Công văn số 851/PC ngày 04/03/1989, Công văn số 924 VP1 và mới nhất là Công văn số 7464/BYT-KCB ngày 29/10/2009. Trong Công văn số 7464/BYT-KCB nêu rõ:

1. Các cơ sở y tế chỉ sử dụng Biểu tượng Chữ thập đỏ khi tham gia các hoạt động Chữ thập đỏ theo quy định tại điều 2 của Luật Hoạt động Chữ thập đỏ.

2. Tại các cơ sở y tế và khi tiến hành các hoạt động y tế ngoài các cơ sở y tế, không phải hoạt động Chữ thập đỏ, các cơ sở y tế không được sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ.

PV