Các nhóm giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế hậu COVID-19

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) – Chính phủ đã tích cực hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tín dụng cũng như thực hiện một loạt các biện pháp tài khoá khác nhằm giúp nền kinh tế dần ổn định và phục hồi.

Đến thời điểm hiện tại, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát, số lượng ca nhiễm duy trì ở mức thấp và chưa có trường hợp nào tử vong. Đây là điều kiện thuận lợi để Chính phủ đưa ra các nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:

Đầu tiên, cần tập trung đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hậu COVID-19, đặc biệt là phục hồi các ngành nghề, lĩnh vực phát triển kinh tế do tác động tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19

Theo đó, cần đưa ra các biện pháp để duy trì tỷ lệ lạm phát thấp (mục tiêu đặt ra là dưới 4%) bằng việc kiểm soát giá lương thực, thực phẩm cũng như giá xăng dầu trên thế giới và trong nước. Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công Thương cần có đưa ra các giải pháp kích thích tăng đàn đối với lợn, tạo điều kiện thuận lợi để nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhằm giữ ổn định giá thịt lợn.

Đối với giá xăng dầu và lương thưc, Chính phủ cần có biện pháp làm cho giá trong nước biến động đồng nhịp với giá thế giới.

Song song với đó, các ngành cũng cần chung tay trong công tác kiểm tra, giám sát những hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá, trục lợi.

Sau khi nền kinh tế hoạt động ổn định trở lại, các gói hỗ trợ cần được rút dần, và chỉ nên tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động tiêu cực nhất, như vận tải, bán lẻ, bảo hiểm, ngân hàng, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thép, du lịch…

1
Cần ưu tiên để sớm phục hồi ngành công nghiệp hỗ trợ. Ảnh Minh Quang/Báo Ninh Bình

Thứ hai, cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 5% để đảm bảo việc làm có thu nhập cho người lao động. Chính sách phúc lợi xã hội này rất quan trọng. Mức tăng trưởng kinh tế đạt được khoảng 5% tương đối khả quan bởi từ đầu tháng 5/2020, nền kinh tế nước ta đã dần phục hồi nhờ vào việc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ. Đồng thời Việt Nam cũng đang là một trong những nước kiểm soát khá tốt dịch bệnh COVID-19.

Thứ ba, thực hiện các gói hỗ trợ đủ liều lượng, đúng thời gian và đúng đối tượng. Các gói hỗ trợ cần tập trung vào những đối tượng, ngành nghề cần nhận được sự hỗ trợ nhất, thay vì việc hỗ trợ rải đều cho nhiều đối tượng, khiến việc hỗ trợ ít ý nghĩa và không thay đổi được hành vi của người nhận hỗ trợ.

Thực tế, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vừa mới được triển khai, nhưng đã gặp không ít vấn đề như có nhiều khoản hỗ trợ đã đến sai địa chỉ. Điều này khiến cho việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, lĩnh vực ngành nghề sản xuất, kinh doanh trở nên khó hơn, phức tạp hơn, vì thế, khả năng sai địa chỉ không phải là không có khả năng tiếp tục xảy ra.

Vì thế, cần phải gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các gói hỗ trợ để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng.

Thứ tư, trong năm 2020, Chính phủ cần đưa ra chính sách và khuyến khích các doanh nghiệp tập trung phát triển thương mại, du lịch nội địa. Thay vì thực hiện các chính sách hướng ra bên ngoài, chúng ta cần có các chính sách phát triển thị trường nội địa và du lịch trong nước

Cuối cùng, Chính phủ cần có chiến lược khả thi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Bởi hiện tại ngành công nghiệp nước ta còn phụ thuộc thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu từ một số nước, do đó trong đợt dịch COVID-19 đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Có thể thấy, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là rất thiết và cần phải đẩy nhanh đẩy nhanh hơn nữa, nhằm tận dụng tốt nhất các cơ hội từ hội nhập, từ sự dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia và giảm thiểu rủi ro khi các chuỗi cung ứng bị đứt gẫy…

B.Tuấn