Cà Mau xây dựng nông thôn mới: Chi bộ ấp 5 với mô hình “Đưa màu xuống ruộng”

Đặng Thu Hằng
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình xuất sắc, trong đó có mô hình “Đưa màu xuống ruộng” của Chi bộ ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.

Là tổ chức cơ sở Đảng tại khu dân cư với 218 hộ dân (960 nhân khẩu) trong đó có 2 hộ dân tộc Khơme, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Chi ủy Chi bộ ấp 5 tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, đặc biệt chú trọng mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn.

Nhiều năm trước, sau khi thu hoạch lúa xong phần lớn bà con Nhân dân đều bỏ trống đất, rất lãng phí, nhưng nếu tiếp tục trồng lúa không thì cũng không năng suất. Trước thực trạng đó, Chi bộ mạnh dạn xây dựng mô hình trồng hoa màu với tên gọi “Đưa màu xuống ruộng” và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia. Việc đưa màu xuống ruộng có những ưu thế nhất định so với cây lúa, đó là trồng màu có thời gian thu hoạch ngắn hơn cây lúa, do vậy dễ chủ động được việc tưới tiêu, phòng ngừa dịch bệnh và giảm chi phí trong sản xuất, công chăm sóc, đồng thời tạo việc làm tại gia đình trong thời gian nhàn rỗi sau thu hoạch lúa, giúp người nông dân có thêm thu nhập.

Trong năm đầu phát động (năm 2013), có 06 hộ tham gia, với diện tích 5,5ha, thử nghiệm trồng bí đỏ sau thu hoạch lúa, qua 01 vụ trừ chi phí thu về trên 50 triệu đồng/ha. Thực tế cho thấy, trồng bí đỏ thích nghi với vùng đất, dễ chăm sóc, ít bệnh, năng suất cao. Ngoài việc lợi nhuận cao hơn trồng lúa, việc trồng màu còn giúp cho đất giữ được độ tươi xốp, màu mỡ, hạn chế được sâu bệnh. Từ đó, phong trào thi đua xây dựng mô hình “Đưa màu xuống ruộng” đã được nhân rộng, nhiều hộ dân trong ấp đã thực hiện theo và mang lại hiệu quả khá cao. Hiện nay toàn ấp có 61 hộ xây dựng mô hình trồng bí đỏ với diện tích 70ha.

z4972804232676-2048ac09e53b762e36c462430c9d09c5-1702534843.jpg
Người dân thu hoạch bí.

Từ những kinh nghiệm của các hộ trồng trước, kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ngày càng có nhiều hộ gia đình có cách làm hay, sáng tạo trong sản xuất. Có thể kể đến như: Trên ruộng, người dân sẽ lên liếp cao khoảng 0,5 mét, rộng 1 mét xen lẫn trong diện tích trồng lúa, mỗi bờ liếp cách nhau từ 10 đến 12 mét. Khoảng cách này là phần đất gieo sạ lúa và mương nước để phục vụ tưới tiêu. Sau thu hoạch lúa thì đây là phần đất trống để cho hoa màu phát triển.

Thời gian bắt đầu xuống giống vụ lúa Đông xuân sớm hơn so với lịch thời vụ, khi lúa còn khoảng 20 ngày là thu hoạch, bà con sẽ bắt đầu trồng màu trên bờ liếp đã chuẩn bị sẵn, thời gian trồng màu bắt đầu từ tháng 11 âm lịch. Giống bí đỏ sau xuống giống khoảng 70 ngày là thu hoạch, năng suất đạt khá cao, dễ tiêu thụ, thương lái đến tận ruộng giao hàng.

Kết quả tổng kết năm 2023 cho thấy, trồng bí đỏ ở ruộng sau thu hoạch lúa đã mang lại năng suất bình quân 9 -10 tấn/ha; giá giao động từ 8.000 đồng – 10.000 đồng/ký, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu về từ 70 triệu - 80 triệu đồng/ha, cá biệt có những hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.

Hiệu quả mô hình “Đưa màu xuống ruộng” đã có sức lan tỏa và được nhân rộng tới các ấp lân cận như ấp 3 và ấp 4 xã Trần Hợi (114 hộ tham gia với 210 ha), ấp Minh Hà xã Khánh Bình Đông (15 hộ tham gia với 30 ha).

z4972804443061-ff60042083be541ecafb0d28589529dc-1702534843.jpg
Tập kết bí đỏ để thương lái đến thu mua.

Ngoài trồng bí đỏ, còn có 2 hộ gia đình trồng khóm với diện tích 1,5 ha, thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm/hộ; 8 hộ trồng xoài với diện tích 15,4 ha, thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm/hộ; 25 hộ trồng màu kết hợp dưa leo, dưa hấu, cà chua, bí đao…, đem lại thu nhập trung bình hơn 60 triệu đồng/năm/hộ.

Hiệu quả mô hình “Đưa màu xuống ruộng” của Chi bộ ấp 5, Xã Trần Hợi, đã nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của các cấp ủy Đảng từ xã đến huyện Trần văn Thời và tỉnh Cà Mau. Với sự nỗ lực quyết tâm của Chi bộ Đảng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực triển khai, “Đưa màu xuống ruộng” - mô hình sáng tạo trong lao động sản xuất của Chi bộ ấp 5 đã thực sự mang lại hiệu quả, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình, đóng góp hiệu quả vào phong trào xây dựng nông nghiệp, nông thôn và cùng với địa phương giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cẩm Minh