Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, mở ra nhiều cơ hội phát triển

Lã Thị Thúy Hằng
Hợp tác xã phát triển hiệu quả mới giúp ngành nông nghiệp vượt qua thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Khi ấy, thu nhập của người nông dân sẽ tăng lên nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung.

a7-1701164663.jpgDiễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững”.

Tăng cường chuyển đổi xanh trong nông nghiệp

Theo thống kê, cả nước hiện có gần 30.000 hợp tác xã, trong đó hợp tác xã nông nghiệp chiếm hơn 60% với 3,5 triệu thành viên, tác động lớn về xã hội. Tại Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững” ngày 24/11, bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh: Phát triển hợp tác xã nông nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hợp tác xã phát triển bền vững mới giúp ngành nông nghiệp vượt qua thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Khi ấy, thu nhập của người nông dân sẽ tăng lên nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung.

Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy để phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó, chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị rất cao, trong khi không ít thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xã.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: Để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các hợp tác xã nông nghiệp cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các hợp tác xã.

Cùng với các chính sách hỗ trợ, các hợp tác xã nông nghiệp cần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm. Việc sản xuất có trách nhiệm chính là thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững hoặc hướng tới bền vững và không làm hại tới môi trường…

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết: Tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều đến bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm.

Trong đó, EU đang dịch chuyển rất mạnh sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch động thực vật, các quy tắc về truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình đóng gói, vận chuyển.

Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp được xem là tất yếu và sống còn, bà Nga nhấn mạnh. Muốn tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản vào các thị trường, Việt Nam không thể không quan tâm đến các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững

Trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ, tạo ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển hợp tác xã nông nghiệp, nhất là phát triển bền vững, ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) cho biết: Khi hướng đến sản xuất xanh, hợp tác xã gặp khó khăn trong việc thay đổi nhận thức cho người nông dân. Để nông dân tiếp cận chính sách và thay đổi nhận thức sản xuất xanh, sạch như thế nào cần phải có quá trình.

Hiện hợp tác xã đang hợp tác với các tổ chức quốc tế như JICA để tạo môi trường xử lý phụ phẩm công nghiệp cũng như tạo mô hình công nghệ sinh thái. Dù đã diễn ra nhiều cuộc trao đổi, tập huấn nhưng hiệu quả chưa được cải thiện, ông Thám chia sẻ.

a9-1701164735.jpgTăng trưởng xanh vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Để xuất khẩu sang thị trường khó tính, doanh nghiệp phải phát triển vùng nguyên liệu sạch, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết: Doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển xanh nhưng vùng xung quanh không chuyển đổi thì sản phẩm không đồng đều, vì vậy cần sự chung tay của cấp chính quyền, địa phương. “Chúng tôi mong muốn không chỉ hình thành một hợp tác xã xanh, mà cần hình thành vùng sản xuất xanh đồng bộ”, ông Tiến nói.

Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị rất cao, ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, cũng xác nhận: Để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các hợp tác xã nông nghiệp, bên cạnh chính sách hỗ trợ, cần nâng cao ý thức về sản xuất có trách nhiệm, tức là sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững hoặc hướng tới bền vững và không làm hại tới môi trường. Ví dụ hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng VietGAP, GlobalGAP…

L.Hằng