Nhóm vật tư nông nghiệp là một trong những ngành nghề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản…
Trong đó, phân bón là vật tư quan trọng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành trồng trọt trong khi ngành trồng trọt chiếm 64 – 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.
Nên xem xét toàn diện các mặt
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chia sẻ mỗi năm Việt Nam rơi vào khoảng 10 triệu tấn phân bón, và vẫn phải nhập khẩu các loại phân bón Việt Nam chưa tự sản xuất được.
Điều này cho thấy, những chính sách về thuế về vật tư nông nghiệp, đặc biệt liên quan đến phân bón ảnh hưởng đến toàn bộ xâu chuỗi thành phần tham gia chứ không chỉ liên quan đến giá.
Theo ông Đạt, chính sách đưa ra cần có sự điều tiết hài hòa, đi từ những gì ưu việt nhất trong sản xuất nông nghiệp, để tất cả các thành phần tham gia đều có những lợi ích chung, bền vững, đặc biệt là nông dân. Chính sách thuế VAT là một trong những giải pháp để điều tiết được giá thành phân bón trong nước; tác động đến việc thay đổi thói quen, cách thức, quy mô sản xuất, công nghệ để tiết giảm chi phí sản xuất đem lại lợi ích cao nhất cho sản phẩm… Tuy nhiên ông Đạt cũng lưu ý, “việc áp dụng thuế VAT cần phù hợp với từng thời điểm, để không ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước nói chung và với nông nghiệp nói riêng.
Nói về thực trạng của chính sách thuế với vật tư nông nghiệp, TS. Bùi Thị Mến - Chủ nhiệm bộ môn thuế, tài chính công - Học viện Ngân hàng cho biết, việc đề xuất sửa đổi một số quy định về thuế, chẳng hạn chính sách tính thuế VAT khoảng 5% đối với vật tư nông nghiệp đã gây ra nhiều tranh luận gần đây.
Bà Mến cho biết, ngoài các trường hợp áp dụng thuế nhập khẩu thông thường thì hiện nay Việt Nam áp dụng miễn thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
Vật tư nông nghiệp đều thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất thấp hơn so với mức thuế suất phổ biến tại Việt Nam (10%), trong đó chủ yếu là các đối tượng thuộc trường hợp không chịu thuế VAT. Từ năm 2015, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT ở tất cả các khâu kinh doanh (theo Luật thuế VAT năm 2008 sản phẩm này chịu thuế VAT 5%)
Hiện nay, Việt Nam có một số chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp. Đơn cử như doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, nhân và lai tạo giống sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động.
"Việc áp dụng thuế, kể cả ở mức thấp có thể tạo ra cơ chế khấu trừ, hoàn thuế đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật,...) nhưng cũng có có thể ảnh hưởng tăng giá đầu vào của sản phẩm nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân, nông trại và các hợp tác xã nông nghiệp. Vì vậy, các ý kiến sửa đổi luật, nên được xem xét toàn diện ở các mặt”- bà Mến nêu quan điểm.
Nên đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất 5%
Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp: Hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp bao gồm nhiều loại nhưng thị phần trị giá lớn nhất vẫn là các mặt hàng là phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; thức ăn chăn nuôi. Từ năm 2008 trở về trước các mặt hàng này thuộc diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%, đồng thời thuế VAT của nguyên liệu, vật tư đầu vào được khấu trừ toàn bộ. Tuy nhiên, tại lần xem xét sửa đổi các luật về thuế (năm 2014), các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất phân bón, cơ khí nêu ra rất nhiều khó khăn và hiệp hội doanh nghiệp của các ngành hàng này đã có đề xuất rất gay gắt, quyết liệt là đưa vào diện chịu thuế suất 0%.
Sau 8 năm thực hiện, quy định không chịu thuế đã gây khó khăn cho cả nông dân và các doanh nghiệp sản xuất vì hai lý do. Thứ nhất, chúng ta đã hạ dần mức bảo hộ về thuế đối với các mặt hàng này và áp thuế VAT thống nhất giữa hàng nhập khẩu với hàng cùng loại sản xuất trong nước nên hàng nhập khẩu luôn bám theo hàng trong nước để hưởng lợi.
Thứ hai, nền kinh tế của Việt Nam chuyển dần sang kinh tế thị trường nên giá bán do doanh nghiệp và người mua đồng thuận. Do đó các doanh nghiệp sản xuất phân bón và máy nông nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đầu vào buộc phải cộng vào giá thành, tăng giá bán cho nông dân.
“Không chỉ sửa đổi thuế suất đối với phân bón mà nên áp dụng đối với cả máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp. Việc đưa vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% không chỉ phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế, mà cũng là mở rộng diện chịu thuế, mở rộng cơ sở thuế như Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 – 2030”- ông Phụng nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Thùy Dương, Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), cho hay, hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Các nước này phần lớn đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT. Mặt hàng này khi nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế VTA tại khâu nhập khẩu nên doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán với sản phẩm nhập, cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất tại thị trường Việt Nam.
“Trước thực tiễn đó, điều quan trọng là phải phát triển một chiến lược rõ ràng cho lĩnh vực này. Với các mặt hàng vật tư nông nghiệp là phân bón và thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản nên có sự đối xử về thuế khác nhau. Đối với phân bón nên đưa vào đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất 5%” - bà Dương đề xuất.