Bộ Y tế làm gì để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế

Lã Thị Thúy Hằng
Đại dịch Covid-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế.

Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ đang tiếp tục thống kê số lượng viên chức y tế nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 để có cơ sở báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhân viên y tế trước áp lực công việc lớn tại hệ thống y tế công

Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện nay lương, chế độ phục cấp với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập còn thấp, chỉ bảo đảm một phần nhu cầu cuộc sống vì vậy khó giữ chân cán bộ y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập. Trong khi đó, thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi gấp 5-6 lần.

Thực tế nữa, hiện nay hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, thân thiện có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y, nhất là nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu, có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nên sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế.

Tại một số tỉnh miền núi, hải đảo, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa tạo động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút để cán bộ y tế trẻ có trình độ đăng ký tuyển dụng, tham gia tại địa phương.

So với những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội và cơ hội học hành tốt hơn, một số cán bộ y tế công tác tại các tỉnh vùng cao khi học xong đã xin thôi, bỏ việc hoặc chuyển công tác.

Cũng theo Thứ trưởng Y tế, điều chính nhất là áp lực công việc lớn tại hệ thống y tế công. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, cán bộ y tế và lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch cường độ làm việc rất lớn, khi số ca mắc mới tăng, số người phải cách ly, xét nghiệm, điều trị tăng cao, nhân viên y tế gần như không có ngày nghỉ, làm với cường độ cao với thời gian kéo dài; đặc biệt với nhân viên y tế ở các địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh và 1 số tỉnh phía Nam.

a5-1656690292.jpeg

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, cán bộ y tế và lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch cường độ làm việc rất lớn, khi số ca mắc mới tăng, số người phải cách ly, xét nghiệm, điều trị tăng cao, nhân viên y tế gần như không có ngày nghỉ, làm với cường độ cao với thời gian kéo dài.

Mặc khác, môi trường làm việc đặc thù của ngành y, cán bộ y tế ngoài việc phải chịu áp lực làm việc mà mỗi người đều có về công việc, gia đình, mưu sinh, quan hệ xã hội còn phải thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn của người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân tử vong, áp lực từ người nhà bệnh nhân gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin.

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ y tế vẫn phải lo cho người thân, gia đình. Nhiều cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh trong khi người thân ở các khu cách ly cần được chăm sóc, người thân mất không thể về được…

Bộ Y tế đang làm gì để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế

Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để bảo đảm duy trì nhân lực y tế cần thiết làm việc tại các cơ sở y tế công lập nhằm thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và bảo đảm công tác chăm sóc, bảo vệ nhân dân, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện số nhiệm vụ trọng tâm như:

Động viên tinh thần, tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của viên chức y tế, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể. Bộ cũng đang tìm các phương án nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viện cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành tế.

Tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là viên chức có trình độ chuyên môn cao. Xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, Bộ tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với nhân viên y tế, tạo môi trường làm việc thân thiện, bố trí sử dụng cán bộ y tế hợp lý, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực khó khăn và cho y tế cơ sở.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực y tế trước mắt, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ sẽ huy động nhân lực từ các địa phương, đơn vị để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế nơi có dịch bệnh xảy ra.

Về vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ Y tế đang trình Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đã được quy định tại Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng, và y tế cơ sở từ 40-70% lên mức 100%.

Giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực, tăng số lượng người làm việc trong các cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trong đó quy định nâng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã. Đồng thời, điều chỉnh số lượng người làm việc tại trạm y tế xã theo quy mô dân số để bảo đảm đủ nguồn nhân lực y tế phục vụ nhiệm vụ chuyên môn cũng như thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Với nhiệm vụ quan trọng nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, theo ông Tuyên, Bộ đang tích cực triển khai thực hiện Dự án 585 “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn” với mục tiêu tăng cường đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo) nhằm cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở, góp phần bảo đảm sự công bằng, hiệu quả trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

LH