Bộ Y tế đề xuất thay thế 5K bằng V2K

Lã Thị Thúy hằng
Hiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát, số ca mắc mới mỗi ngày trên cả nước giảm sâu, việc thực hiện thông điệp 5K gây ra nhiều trở ngại trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 diễn ra mới đây, báo chí đã đặt nhiều đặt câu hỏi cho Bộ Y tế về việc hướng dẫn, điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Bộ Y tế đã tham mưu tạm dừng việc khai báo y tế, không bắt buộc hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách.

Như vậy, thực chất chỉ còn thực hiện khẩu trang và khử khuẩn. Bộ sẽ làm việc với Bộ Tư pháp, các đơn vị liên quan để xem xét về việc có sửa quy định 5K hay không.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều là rất quan trọng để đảm bảo phòng bệnh.

Bộ Y tế đã đề xuất V2K (vaccine – khẩu trang – khử khuẩn) và đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và trình Chính phủ. Tuy nhiên trong dự thảo, Bộ Y tế cũng nêu rõ thông điệp 5K vẫn sẽ được sử dụng nếu xuất hiện biến chủng mới gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Thông tin này được nhiều người đồng tình ủng hộ. Riêng tại các cơ sở y tế và những môi trường đặc thù khác, có thêm ý kiến cho rằng việc linh hoạt 5K cần có hướng dẫn và quy định riêng đối với từng vị trí việc làm, vốn có mức độ và nguy cơ lây nhiễm khác nhau.

Vì vậy, dù tình hình dịch hiện nay được kiểm soát, việc duy trì một số biện pháp như khẩu trang và khử khuẩn phòng bệnh vẫn là cần thiết bởi không chỉ có COVID-19 mà còn có rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành.

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên triển khai tiêm vaccine tự nguyện, hơn là bắt buộc. Đồng thời, việc sử dụng vaccine phòng chống dịch COVID-19 trên thế giới hầu như là tự nguyện, chỉ có một số quốc gia bắt buộc tiêm vaccine với một số đối tượng như công nhân, cảnh sát, quân đội… và chưa bắt buộc tiêm vaccine với trẻ em 5-12 tuổi. Các vaccine phòng COVID-19 vẫn đang trong quá trình tổng hợp theo dõi về hiệu quả của sử dụng vaccine. Do vậy, căn cứ vào quy định hiện hành và các lý do nêu trên tại thời điểm hiện nay, việc tiêm vaccine cho trẻ 5-12 tuổi chưa có đủ cơ sở xác định là bắt buộc.

a6-1654506636.jpg

Trẻ em từ 5 - 12 tuổi được tiêm vaccine Covid 19

Để tăng cường công tác tiêm chủng nhằm đạt các mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tránh lãng phí; Bộ Y tế đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm chủng đối với số lượng vaccine được phân bổ đợt 146 và 147 tại Quyết định số 743/QĐ-VSDTTƯ ngày 16/5/2022, đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả.

Tiếp tục rà soát đối tượng, tập trung đẩy mạnh việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành trong Quý II/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 15/4/2022 và tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, địa phương nào không tiếp nhận đủ vaccine COVID-19 để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và để xảy ra dịch sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

LH