Báo cáo tại hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ diễn ra ngày 21/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc dẫn đến đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn.
Do đó, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Đề nghị Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản.
Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh do thời gian học tập và thực hành kéo dài hơn so các ngành nghề khác.
Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, thời gian vừa qua, ngoài những chính sách đặc thù trước đây, Chính phủ đã quan tâm bổ sung thêm một số chính sách ưu đãi đối với ngành y tế và đội ngũ cán bộ y tế.
Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định sửa Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập để nâng trợ cấp ưu đãi nghề 100%.
Riêng đối với nhóm nhân viên y tế thôn bản, hiện nay còn vướng ở Nghị định 34, Bộ Nội vụ thống nhất với phương án của Bộ Y tế để báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết có chính sách đặc thù riêng đối với y tế thôn bản theo chủ trương hưởng 100% phụ cấp theo Kết luận số 25 của Bộ Chính trị.
Đồng thời ngày 2/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50 quy định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Trước đây đội ngũ viên chức ngành y tế có trình độ GS, PGS, TS muốn kéo dài thời gian chuyên môn lại phải áp dụng theo chính sách của khối cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Còn theo quy định mới, các viên chức ngành y tế ở trình độ GS, PGS, TS vẫn có thể làm ngành y tế kéo dài thời gian hoặc đội ngũ viên chức ngành y tế giữ chức danh hạng 1 như cao nhất là bác sĩ hay dược sĩ cao cấp cũng được kéo dài thời gian công tác 5 năm.
Những lĩnh vực y tế đặc thù như giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần cũng thuộc đối tượng kéo dài thời gian công tác cho đến khi nghỉ hưu và thêm 5 năm theo quy định mới.
Về đề xuất xét lương bậc 2 sau tuyển dụng, Thứ trưởng Long cho biết trước đây thực hiện chế độ chính sách thăng hạng đã tính ưu tiên đối với trường hợp bác sĩ tốt nghiệp từ chuyên khoa 2, thời gian thăng hạng ngắn hơn.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế sẽ phối hợp để hướng dẫn việc xếp lương bảo đảm theo tương quan chung cho đội ngũ bác sĩ mới được tuyển.
Về nội dung liên quan đến nhân viên y tế bỏ việc, Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc nâng cao các gói chính sách xử lý tổng thể phải bảo đảm tương quan với các ngành nghề.
Cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chính sách đổi mới cơ chế tự chủ, tăng tính tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành y tế trong vấn đề tuyển dụng nhân lực, bố trí nguồn nhân lực đủ cho nhu cầu.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang soạn thảo dự thảo Nghị định về cơ chế hợp đồng để làm chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập để trình Chính phủ. Đây là vướng mắc cần tháo gỡ của các đơn vị sự nghiệp y tế. Đơn vị tự chủ một phần của Bộ Y tế theo đúng tinh thần thực hiện chính sách tinh giản biên chế đang không được quyền ký hợp đồng làm chuyên môn.
Theo đúng lộ trình, Bộ Y tế cần phối hợp sớm với Bộ Nội vụ để sớm sửa Thông tư về định mức biên chế và số lượng người làm việc trong các đơn vị của ngành y tế để làm sao sau khi Nghị định ban hành, các địa phương, các đơn vị sự nghiệp của ngành y tế có căn cứ triển khai thực hiện.