Bộ GTVT kiến nghị lùi 1 năm xử phạt với xe khách, xe tải chưa lắp camera

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc chưa xử phạt đối với xe khách trên 9 chỗ và xe container chưa lắp camera trong thời hạn 1 năm.

Cụ thể, Bộ GTVT cho hay, theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.

giamsathanhtrinh
Ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức

Bộ GTVT cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động vận tải phát triển, qua đó đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, năng lực vận chuyển lưu thông hàng hóa và góp phần nâng cao trật tự vận tải, trật tự an toàn giao thông.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, kể từ ngày Nghị định 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, cũng là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải áp dụng giãn cách xã hội toàn quốc, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách.

“Các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là vận tải hành khách, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, có khi bị dừng hoạt động hoặc được phép hoạt động nhưng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của phương tiện để thực hiện phòng, chống dịch. Số lượng khách giảm khiến doanh thu và sản lượng vận tải bị giảm sút nghiêm trọng. Chi phí tăng do phải trang bị thêm khẩu trang, sát khuẩn tay và sát khuẩn phương tiện”, Bộ GTVT đánh giá.

Theo số liệu của Bộ GTVT sản lượng, doanh thu trong vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 20-30% so với trước dịch. Vận tải hàng hóa thì sản lượng và doanh thu ước đạt 70-80%. Tỷ lệ phương tiện hoạt động bình quân trên toàn quốc trong tháng 5/2021 chỉ đạt hơn 50%.

Hiện có trên 90% số doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Từ ngày 1/4/2020 đến nay, đã có 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát, phương tiện hoạt động cầm chừng hoặc phải dừng hoạt động, doanh nghiệp không có doanh thu để chi trả tiền lương lái xe, đóng bảo hiểm xã hội, nộp các khoản thuế, trả gốc, lãi tiền vay ngân hàng. Nếu dịch Covid-19 kéo dài, phương tiện tiếp tục phải ngừng hoạt động, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải sẽ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị phá sản.

Vì vậy, để tiếp tục thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58/2021/NQ-CP của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022 chưa xử phạt hành vi vi phạm đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách và ô tô tải theo quy định.

Minh Hải