Biểu tượng Chữ thập đỏ bị vi phạm dưới nhiều hình thức và những hệ lụy

Lã Thị Thúy hằng
Biểu tượng Chữ thập đỏ hiện đang bị vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau: sử dụng sai (không phải cá nhân, tổ chức, hoạt động Chữ thập đỏ nhưng sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ và biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam); bắt chước (sử dụng dấu hiệu gần giống về hình dáng, màu sắc của biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gây nhầm lẫn); mạo danh (các nhóm, cá nhân làm từ thiện “trá hình” sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) để trục lợi.

a1-1660953753.jpg

Cán bộ Chữ thập đỏ cứu trợ người dân vùng lũ.

Biểu tượng Chữ thập đỏ là hình chữ thập màu đỏ, trên nền trắng. Biểu tượng chữ thập đỏ được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ. Biểu tượng trăng lưỡi liềm đỏ và biểu tượng pha lê đỏ do tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài thuộc Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế sử dụng ở Việt Nam được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ.

Biểu tượng Chữ thập đỏ đang bị vi phạm dưới nhiều hình thức

Mặc dù đã có những văn bản pháp lý quốc tế và Việt Nam quy định về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, tuy nhiên hiện nay, biểu tượng Chữ thập đỏ xuất hiện khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực không thuộc hoạt động Chữ thập đỏ, phổ biến nhất là ngành y tế (các cơ sở y tế, cửa hàng thuốc tân dược, xe cấp cứu, trên các chương trình truyền hình, quảng cáo liên quan đến chăm sóc sức khỏe...), các sản phẩm hàng hóa, biển quảng cáo, biển báo… Nghiêm trọng hơn, một số đơn vị, nhóm người, cá nhân mạo danh Hội Chữ thập đỏ, cán bộ Hội sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để vận động quyên góp, bán hàng “từ thiện”.

Chữ thập đỏ bị vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau: Sử dụng sai (không phải cá nhân, tổ chức, hoạt động Chữ thập đỏ nhưng sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ và biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), bắt chước (sử dụng dấu hiệu gần giống về hình dáng, màu sắc của biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gây nhầm lẫn), mạo danh (các nhóm, cá nhân làm từ thiện “trá hình” sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để trục lợi).

Ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hồ Chí Minh cho biết: Tại TP Hồ Chí Minh đô thị lớn của cả nước, biểu tượng Chữ thập đỏ đang bị sử dụng tràn lan, tùy tiện. Diễn ra tại: Các cơ sở y tế của ngành y tế quản lý như: Trang phục, bảng hiệu, phương tiện… Cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép hoạt động bảng hiệu, nhãn hàng, phương tiện vận chuyển bệnh nhân, đèn tín hiệu giao thông, ngành nghề sửa chữa thiết bị (máy tính…) có sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ. Cơ quan truyền thông “truyền hình” cả Trung ương và địa phương thực hiện chuyên mục chăm sóc sức khỏe đều có thể hiện biểu tượng Chữ thập đỏ.

Theo ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ như Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ ngoài mục đích nhận diện cho tổ chức làm công tác nhân đạo còn có một mục đích, ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đó là biểu tượng của sự bảo vệ (ngoài ý nghĩa Biểu tượng của nhân đạo)!

"Luật pháp quốc tế quy định, trong các cuộc xung đột vũ trang, những người bị thương, những người bị bệnh và những người chăm sóc họ cũng như các phương tiện, cơ sở vật chất khi mang biểu tượng này đều được bảo vệ, không ai được phép tấn công. Do vậy, các biểu tượng trên cần phải được tôn trọng và sử dụng đúng. Nếu Biểu tượng này bị sử dụng một cách tùy tiện, bừa bãi sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người”, ông Hùng nhấn mạnh.

Những hệ lụy khi biểu tượng bị vi phạm

• Vi phạm biểu tượng vào mục đích bảo vệ trong thời chiến đã gây nên sự thách thức đối với hệ thống bảo hộ do Luật Nhân đạo Quốc tế xác lập nên.

• Vi phạm biểu tượng vào mục đích nhận diện sẽ hạ thấp hình ảnh của biểu tượng trong mắt công chúng và hậu quả là sẽ giảm hiệu lực của biểu tượng khi xảy ra chiến tranh.

• Việc vi phạm các biểu tượng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, chủ yếu cho những người cần giúp đỡ nhất trong trường hợp khẩn cấp. Trong trường hợp xấu nhất có thể rủi ro đến tính mạng nếu biểu tượng được dùng bởi những người không được phép làm như vậy.

Hãy xem xét các ví dụ sau:

• Một cuộc xung đột vũ trang đang xảy ra ở nước bạn. Cuộc pháo kích lớn diễn ra ở khu vực đông dân cư. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị thương và nhà cửa bị phá hủy. Nhân viên mang Biểu tượng Trăng lưỡi liềm đỏ đến chăm sóc người bị thương nhưng bị dừng lại ở trạm kiểm soát và không được phép vào khu vực này. Nguyên nhân là do trước khi cuộc xung đột nổ ra, các biểu tượng đã được dùng tự do bởi cộng đồng y tế và được các công ty tư nhân sử dụng cho mục đích thương mại. Thậm chí, trong cuộc xung đột vũ trang, một số máy bay chiến đấu, xe cứu thương được đánh dấu chữ thập đỏ hoặc trăng lưỡi liềm đỏ cũng đã vận chuyển trái phép vũ khí và đạn dược. Vì không ai hiểu mục đích, ý nghĩa của Biểu tượng và không tin tưởng các Biểu tượng trên nên nhân viên y tế đã không được phép cung cấp trợ giúp và sẽ có rất nhiều người thiệt mạng.

• Một cơn bão lớn tấn công ngôi làng của bạn. Nhà của bạn bị phá hủy. Gia đình bạn bị thương và cần giúp đỡ nhanh chóng. Những nhân viên Hội Chữ thập đỏ đến làng của bạn để cứu trợ nhưng họ bị chặn không được vào. Các quan chức địa phương nghi ngờ rằng các biểu tượng được liên kết với một chương trình nghị sự chính trị, vì một biểu tượng gần giống với chữ thập đỏ đã xuất hiện bởi một bên trong chiến dịch bầu cử gần đây. Họ không hiểu rằng sự trợ giúp của Hội Chữ thập đỏ là trung lập và vô tư. Điều này dẫn đến việc gia đình bạn không nhận được sự trợ giúp cần thiết và nhiều người trong cộng đồng của bạn sẽ thiệt mạng.

• Một nhóm người lợi dụng người khuyết tật mặc áo mang biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và dựng sân khấu ven đường biểu diễn văn nghệ để quyên góp từ thiện. Biểu trưng cũng xuất hiện trên phông sân khấu và thùng quyên góp. Rất nhiều người dân đi qua đã dừng lại để bỏ tiền ủng hộ. Đây không phải là hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Qua báo chí phản ánh, nhóm người này đã lợi dụng hình ảnh, uy tín của Hội Chữ thập đỏ để đánh lừa lòng tốt người dân và lừa chính những người khuyết tật. Với số tiền thu được họ chỉ trả rất ít cho những người khuyết tật. Việc làm này đã làm ảnh hưởng hình ảnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hạ thấp uy tín của tổ chức Hội.

PV