Biến đổi khí hậu: LHQ cảnh báo thế giới đang đi sai hướng

Đặng Thu Hằng
Tổ chức khí tượng thế giới cho rằng nhân loại đang "đi sai hướng" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu do sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch.

Theo Tổ chức khí tượng thế giới (WMO), lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện đang cao hơn so với mức trước đại dịch.

Trong báo cáo United in Science công bố cùng ngày, WMO cho rằng thiên tai sẽ trở nên phổ biến nếu thế giới không cắt giảm lượng khí carbon theo mức mà giới khoa học cho là cần thiết để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu. Bản đánh giá viện dẫn trận lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan và đợt nắng nóng ảnh hưởng đến mùa màng tại Trung Quốc trong năm nay là những ví dụ cho những gì có thể xảy ra.

chay140922-16631119496222006058831-1663147510.jpeg
Cháy rừng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu.

Báo cáo của WMO nhấn mạnh rằng sau gần 3 năm, đại dịch COVID-19 tạo cơ hội để các chính phủ đánh giá lại cách thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm như trước đây. Theo WMO, sau khi lượng khí thải giảm 5,4%, mức giảm chưa từng có, vào năm 2020 do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại toàn cầu vì dịch bệnh, dữ liệu sơ bộ từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay cho thấy lượng khí CO2 phát thải toàn cầu cao hơn 1,2% so với trước khi đại dịch bùng phát.

Theo đánh giá, con số này chủ yếu là lượng khí phát thải tăng hàng năm ở Mỹ, Ấn Độ và hầu hết các nước châu Âu. Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh, rõ ràng thế giới đang đi sai hướng. WMO cho biết nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng, lên tới mức cao mới. Trong khi đó, tỷ lệ phát thải từ nhiên liệu hóa thạch hiện cao hơn mức trước đại dịch. 7 năm qua là thời kỳ ấm nhất được ghi nhận.

Báo cáo của WMO cho biết có 93% khả năng kỷ lục về năm nóng nhất trên toàn cầu - hiện tại là năm 2016 - sẽ bị phá vỡ trong vòng 5 năm tới. Cơ quan này cảnh báo việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch đồng nghĩa với việc có tới 48% là nhiệt độ toàn cầu trung bình hàng năm tạm thời vượt quá 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong 1 năm của 5 năm tới.

ca140922-166311196414797754851-1663147757.jpeg
Nhiều loại cá ở Bắc Cực đã bị chết vì biến đổi khí hậu.

Trong một đánh giá về tình trạng khí phát thải hàng năm sau các cam kết mới nhất tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), diễn ra ở Glasgow, Anh, Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) cho rằng ngay cả những cam kết được đưa ra tại hội nghị này cũng chưa đủ. Theo UNEP, trên thực tế, cần nâng cam kết của các nước lên 4 lần để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C và 7 lần để đạt được mục tiêu tăng 1,5 độ C. UNEP nhấn mạnh, với các chính sách khí hậu trên toàn thế giới như hiện nay, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm 2,8 độ C vào năm 2100.

Bà Tasneem Essop, Giám đốc điều hành của Mạng lưới Hành động Khí hậu, cho biết Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Ai Cập cần sự nhất trí của các nhà lãnh đạo trong việc cung cấp nguồn tài trợ mới để hỗ trợ các cộng đồng ở các quốc gia thuộc nhóm rủi ro trước biến đổi khí hậu có thể tái thiết sau các trận thiên tai. Theo bà, bức tranh mà báo cáo của WMO đưa ra là hiện thực mà hàng triệu người đang đối mặt với những thảm họa khí hậu liên tục tái diễn.