Bác sĩ Nguyễn Hải Hà, Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Giao thông vận tải tại Hải Phòng (trụ sở tại Km 40 đường 5 mới, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay, tập thể người lao động Bệnh viện Giao thông vận tải tại Hải Phòng mới nhận được 2 tháng lương. Khoản phụ cấp nghề nghiệp bằng 40% tiền lương thì từ năm 2019 đến giờ vẫn chưa được nhận.
Chưa hết, bác sĩ Nguyễn Hải Hà còn cho biết, mặc dù bệnh viện làm nhiệm vụ cứu chữa người bệnh, không thể có những khoản nợ bất thường nhưng năm 2019, báo cáo tài chính thể hiện, Bệnh viện Giao thông vận tải tại Hải Phòng đang có khoản nợ tới gần 12 tỷ đồng.
Bác sĩ Đinh Văn Minh, Trưởng khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng cho hay, tại nhiều thời điểm, bệnh viện có dấu hiệu bị thiếu thuốc phục vụ điều trị người bệnh, người nhà bệnh nhân phải mang đơn thuốc của bác sĩ ra bên ngoài mua thuốc để mang vào bệnh viện, điều trị người bệnh. Tại các hội nghị, giao ban cán bộ chủ chốt, vấn đề thiếu thuốc điều trị người bệnh đã được đưa ra bàn luận nhưng không được Ban giám đốc bệnh viện đáp ứng.
Bác sĩ Nguyễn Hải Hà phân tích, ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh thông thường, Bệnh viện Giao thông vận tải tại Hải Phòng còn có các hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh hết sức đặc thù như là một trong số ít các cơ sở khám chữa bệnh có chức năng khám dịch vụ, cấp chứng chỉ sức khỏe cho đội ngũ thuyền viên; chạy thận nhân tạo... Bởi vậy, không thể nói bệnh viện khó khăn về tài chính để chậm trả lương, trả phụ cấp cho người lao động.
Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải tại Hải Phòng thừa nhận, từ năm 2019, sau khi thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, thu không đủ bù chi. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên tình hình tài chính của bệnh viện càng khó khăn, mất cân đối dẫn đến chưa trả được lương cho người lao động.
Ông Bùi Hữu Hoàng cũng cho rằng, trong thời điểm mất cân đối về tài chính, bệnh viện chỉ duy trì các loại thuốc thiết yếu. Đối với những thuốc không thiết yếu, đa phần là thuốc bổ, không thuộc danh mục thanh toán của Bảo hiểm xã hội thì bệnh viện không duy trì nên có hiện tường bệnh nhân phải mua thuốc từ bên ngoài vào bệnh viện.
Giám đốc bệnh viện cung cấp thông tin, từ 28/5, một số y, bác sĩ của bệnh viện đã có đơn kiến nghị gửi tới Cục Y tế - Bộ Giao thông vận tải, cơ quan chủ quản của bệnh viện để phản ánh việc bệnh viện nợ lương người lao động. Ngày 21/6, Cục Y tế đã thực hiện kiểm tra hoạt động của bệnh viện. Kế hoạch thanh kiểm tra sẽ diễn ra trong 20 ngày.
Theo bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, ngày 19/6, Ban giám đốc của bệnh viện nhận được đơn của 32 y, bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên, người lao động trong bệnh viện xin nghỉ việc tự túc. Do là thứ 6, ngày cuối của tuần làm việc, Ban giám đốc bệnh viện chưa quyết định thì sáng thứ 2, ngày 22/6, xảy ra sự việc.
Ghi nhận của Bệnh viện Giao thông vận tải, đến trưa ngày 22/6. Có 18 y, bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm, trong đó có cả 2 trưởng khoa tại 6 khoa, phòng gồm Khoa thận nhân tạo Việt Nhật, Khoa Ngoại, Khoa Khám bệnh, Khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng, Khoa Dược và phòng xét nghiệm tự ý nghỉ việc. Do Dược sĩ khoa dược nghỉ việc, không bàn giao chìa khóa Khoa Dược nên bệnh viện phải tổ chức cắt khóa để lấy thuốc phục vụ người bệnh.
Ông Bùi Hữu Hoàng cho biết thêm, để việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm xã hội trên địa bàn không bị gián đoạn, Bệnh viện Giao thông vận tải tại Hải Phòng đã đề nghị cấp trên tăng cường 5 y, bác sĩ cho bệnh viện.
Bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng thông tin, Bảo hiểm xã hội TP Hải Phòng xác định, hiện có 50 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Giao thông vận tải tại Hải Phòng. Theo phản ánh của tập thể y, bác sĩ, do máy móc, nhất là máy chạy thận được đầu tư từ những năm 2009, trang thiết bị máy móc cũng như vật tư có dấu hiệu không được nâng cấp đầy đủ, có nguy cơ mất an toàn tính mạng người bệnh. Bởi vậy, Sở Y tế Hải Phòng đã báo cáo lãnh đạo TP Hải Phòng để UBND TP Hải Phòng phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Bệnh viện Giao thông vận tải tại Hải Phòng điều chuyển số bệnh nhân này về chạy thận tại các cơ sở chạy thận nhân tạo trên địa bàn Hải Phòng.
Bệnh viện Giao thông vận tải tại Hải Phòng là Bệnh viện cấp 3, quy mô 120 giường bệnh, bệnh viện thuộc Cục Y tế - Bộ Giao thông vận tải. Bệnh viện này thực hiên cơ chế tự chủ tài chính từ 1/1/2019. Một lãnh đạo TP Hải Phòng cho hay, sự việc các y, bác sĩ nghỉ việc tập thể là sự việc hy hữu, chưa từng xảy ra trên địa bàn Hải Phòng.