BHXH tỉnh Lào Cai: Tất cả vì quyền lợi của khách hàng

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Năm 2021, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà BHXH tỉnh Lào Cai hướng tới chính là việc đẩy mạnh phát triển các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, không ngừng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công trực tuyến (VssID) và đề ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Nhandaovadoisong.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai.

Đẩy mạnh cài đặt ứng dụng VssID

Hiện nay, BHXH Việt Nam và các tỉnh đang chú trọng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp tục tham gia giao dịch điện tử với cơ quan BHXH; vận động người hưởng BHXH, BHYT tích cực sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký dịch vụ công trực tuyến và cài đặt ứng dụng VssID. Đến nay, BHXH tỉnh Lào Cai đã triển khai việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công trực tuyến và cài đặt ứng dụng VssID ra sao?

Hiện nay, việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công trực tuyến và cài đặt ứng dụng VssID - BHXH tỉnh đã triển khai thanh toán qua ATM các chế độ BHXH 1 lần đạt gần 90%, các chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH đạt 32%. Chỉ tính riêng về dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 gồm:

Thứ nhất, giao dịch điện tử của đơn vị tính đến hết ngày 15/3/2021 toàn tỉnh có 2.366/2.491 đơn vị đăng ký giao dịch điện tử đạt 95%. Còn đối với giao dịch điện tử với cá nhân thì BHXH tỉnh đã gửi văn bản thông báo hỗ trợ đăng ký sử dụng VssID trên điện thoại di động và ban hành Quyết định thành lập tổ triển khai ứng dụng VssID trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai ứng dụng VssID, Bảo hiểm xã hội số của BHXH tỉnh Lào Cai còn phối hợp thực hiện, đăng tải các tin, bài, phóng sự… trên Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Lào Cai, hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các trang mạng xã hội zalo, facebook cá nhân. Ngoài ra, cán bộ của BHXH còn trực tiếp tuyên truyền, giải đáp, hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng VssID tới các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Tính đến nay, BHXH tỉnh đã nhận 9.768 hồ sơ cá nhân đăng ký giao dịch điện tử trong đó đã xử lý xong 6.780 hồ sơ hợp lệ, 2.988 hồ sơ chờ duyệt do cá nhân chưa đến cơ quan BHXH để đăng ký.

Thứ hai, là phối hợp và sử dụng dịch vụ Bưu chính để thực hiện chuyển phát hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN qua dịch vụ bưu chính công ích. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, vận động doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia giao dịch điện tử với cơ quan BHXH vừa nhanh chóng, thuận tiện và không mất nhiều thời gian đi lại.

IMG_20210407_133323
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai

Vậy, trong quá trình thực hiện, BHXH Lào Cai gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì? Hướng khắc phục cho những khó khăn đó là gì, thưa ông?

Để đạt được những kết quả như trên, BHXH tỉnh Lào Cai cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc như: Đối với việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công trực tuyến: Nhiều doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ, ít lao động, ít phát sinh BHXH chưa tham gia giao dịch điện tử về BHXH, BHYT, BHTN; Tỷ lệ chi trả các chế độ BHXH qua hệ thống ATM chưa cao trong đó có khoảng 36% (8.229 người) thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả tuổi đã cao, sức khỏe kém, nghỉ mất sức nên khó vận động thay đổi phương thức lĩnh từ tiền mặt sang hệ thống ATM của ngân hàng. Người dân tộc, người nghèo trong địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ cao, hạ tầng công nghệ thông tin tại nhiều địa phương còn thiếu do vậy, việc triển khai, tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến theo từng thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, đối với việc triển khai ứng dụng VssID: người dùng ngại đến cơ quan BHXH để nộp hồ sơ đăng ký tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (tài khoản cá nhân dùng để đăng nhập và sử dụng những tính năng, tiện ích của ứng dụng VssID); ứng dụng VssID dùng cho điện thoại thông minh và phải có kết nối mạng nên những người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa có đủ điều kiện để sử dụng làm hạn chế chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền cũng như số lượng người cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID.

Chính vì thế, BHXH tỉnh Lào Cai đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình triển khai ứng dụng BHXH số VssID, cải cách hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngành BHXH, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đồng bộ một số giải pháp sau:

- Tuyên truyền và hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID trực tiếp tại các đơn vị sử dụng lao động, cấp phát các ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp; bố trí các bàn di động tại các khu công nghiệp, các nơi đông dân cư, các đơn vị sử dụng lao động có nhiều người tham gia, các cơ sở KCB BHYT... hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động tích cực tham gia giao dịch điện tử về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

- Chia nhóm, khối đơn vị để hỗ trợ trực tiếp các đơn vị SDLĐ trên địa bàn đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID; Lồng ghép nội dung tập huấn cài đặt, đăng ký và sử dụng ứng dụng VssID tại Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho nhân viên đại lý thu trên địa bàn thành phố Lào Cai.

- Tuyên truyền, vận động người nhận chi trả các chế độ BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí qua hệ thống ATM của ngân hàng.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ trong ngành và người dân về Cơ sở dữ liệu quốc gia ngành BHXH; tăng cường vận động, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công.

Nỗ lực vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện

Được biết, một trong những mục tiêu chính mà BHXH Việt Nam giao cho BHXH tỉnh Lào Cai trong năm nay chính là việc đẩy mạnh chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH tự nguyện. Vậy, đến nay BHXH Lào Cai đã triển khai nhiệm vụ này ra sao?

Năm 2021 BHXH tỉnh được giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH tự nguyện là 11.094 người. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên để hoàn thành chỉ tiêu đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của không chỉ cán bộ, nhân viên ngành BHXH tỉnh Lào Cai mà cần sự phối hợp, hỗ trợ của hệ thống chính trị trong toàn tỉnh.

Bởi, hiện nay, BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn với người dân, do đây là chính sách mới nên người dân chưa quan tâm nhiều và chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chính sách. Đặc biệt, đời sống của đa số người dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp và bấp bênh. Thời gian đóng BHXH tự nguyện tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí kéo dài đến 20 năm, người tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế (hiện chỉ có hai chế độ là hưu trí và tử tuất) nên người dân chưa mặn mà. Trên địa bàn tỉnh số người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là cán bộ, công nhân, viên chức đã đóng BHXH bắt buộc nay tiếp tục đóng để hưởng lương hưu. Còn đối với người dân lao động thì có rất ít người tham gia với loại hình BHXH này. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số người dân đã hiểu được lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện nên tham gia.

Để hoàn thành chỉ tiêu trên, trong thời gian tới BHXH tỉnh sẽ trọng tâm một số giải pháp như: UBND tỉnh Lào Cai đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh và UBND các huyện, thị xã đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp huyện. Cùng với đó, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2021-2025 nhằm tăng cường chỉ đạo công tác BHXH, BHYT đặc biệt là thực hiện các chỉ tiêu về số người tham gia BHXH tự nguyện.

20210407_104053
Cán bộ BHXH tỉnh Lào Cai hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân

Nỗ lực hỗ trợ cho người dân

Tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Vậy, BHXH tỉnh đã thực hiện những chính sách hỗ trợ gì cho người lao động nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ?

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch covid-19 của chính phủ, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, để tháo gỡ khó khăn về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, BHXH tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn Doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của đại dịch covid 19 làm các thủ tục như tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất hoặc báo giảm đóng BHXH đối với các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động để giảm bớt chi phí trong thời gian doanh nghiệp gặp khó khăn. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp để tạo thuận lợi cho các Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong việc hướng dẫn, xác nhận các doanh nghiệp đủ điều kiện để tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất, xác nhận các trường hợp người lao động của doanh nghiệp phải nghỉ việc không hưởng lương để được hỗ trợ theo khoản trợ cấp 61 nghìn tỷ của chính phủ.

Đến nay, toàn tỉnh có 01 đơn vị với 50 lao động thực hiện thủ tục hồ sơ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; 779 đơn vị có người lao động nghỉ tạm hoãn hợp đồng lao động. BHXH tỉnh đã thực hiện xác nhận cho: 08 đơn vị với 193 lao động về việc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ nghỉ việc không hưởng lương (mẫu số 01) Theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ; 03 đơn vị với 12 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch covid-19 theo đề nghị của Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lào Cai về việc phối hợp xác nhận đối tượng đóng BHXH theo NQ 154/NQ/CP ngày 19/10/2020 của Thủ tướng chính phủ.

Đối với một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn; nhận thức về chính sách BHYT của người dân chưa cao, không đồng đều, công tác y tế trường học còn có một số khó khăn nhất định… cho nên để thực hiện tốt công tác BHYT HSSV là một khó khăn không nhỏ. Vậy, BHXH tỉnh đã có những giải pháp nào cho vấn đề này?

Hiện nay, đối tượng HSSV trên địa bàn tỉnh chủ yếu thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người kinh sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được NSNN hỗ trợ đóng BHYT. Tỷ lệ học sinh sinh viên tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh năm học 2019 – 2020 là 98,91%, tuy nhiên vẫn còn 2.301 em tương ứng với 1,09% HSSV chưa tham gia BHYT, để phấn đấu đạt mục tiêu có 100% HSSV trên địa bàn tham gia BHYT năm học 2020-2021, BHXH tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp sau:

- Đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức tuyên truyền phù hợp với từng cấp học, từng vùng, từng dân tộc, nhằm nâng cao nhận thức của HSSV, các bậc phụ huynh học sinh về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của BHYT HSSV.  Trong đó chú trọng phối hợp các trường tổ chức các buổi đối thoại, tuyên truyền giải thích rõ cho sinh viên và phụ huynh học sinh về mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHYT

- Thường xuyên phối hợp với sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các đơn vị thuộc phân cấp quản lý nhằm bảo đảm tổ chức thực hiện tốt BHYT HSSV.

- Cấp thẻ BHYT, trích chuyển kinh phí CSSKBĐ kịp thời, tiếp nhận và giải đáp các vướng mắc của nhà trường và HSSV tham gia BHYT. Nâng cao chất lượng báo cáo, công tác rà soát lập danh sách tham gia BHYT, công tác lập danh sách trích kinh phí CSSKBĐ.

- Nâng cao chất lượng giám định BHYT đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho đối tượng tham gia BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp trong giao dịch điện tử, hỗ trợ cơ sở giáo dục lập và chuyển dữ liệu đảm bảo kịp thời, chính xác khi cấp thẻ BHYT cho đối tượng. Đa dạng các hình thức tuyên truyền đến phụ huynh và nhà trường đưa chính sách BHYT trở thành nội dung thường niên tuyên truyền của cơ sở giáo dục.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hải An - Tâm Hiền