VNPT Lào Cai khó nhưng không bỏ người lao động
Có lẽ, chưa bao giờ tình hình dịch bệnh Covid-19 lại phức tạp như những năm vừa qua. Sự phức tạp của dịch bệnh đã khiến không ít doanh nghiệp trong cả nước phải gồng mình chống chọi. Không ít doanh nghiệp đã bên bờ vực phá sản, vì vậy Chính phủ đã nhanh chóng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bằng gói cứu trợ lên tới 62.000 tỷ đồng…Tuy nhiên, để cứu những doanh nghiệp đang thoi thóp, không ít “ông chủ” doanh nghiệp cũng phải mạnh tay cắt giảm nhân công, người lao động, đổi mới quản trị, tiết kiệm tối đa các chi phí không cần thiết…nên tỷ lệ người lao động mất việc làm cũng tăng lên gây áp lực lớn cho công tác an sinh xã hội.
Tuy nhiên, mặc dù đại dịch càn quét như vậy, nhưng rất nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động, trong đó VNPT Lào Cai là một điển hình như vậy.
Trao đổi với Phóng viên nhandaovadoisong.vn, ông Trần Minh Đức – Giám đốc VNPT Lào Cai cho biết, Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Viễn thông Lào Cai đã nhanh chóng thích ứng với tình hình sản xuất mới như đẩy mạnh cung cấp dịch vụ hội nghị truyền hình... Bên cạnh đó, đơn vị đang đẩy nhanh chuyển đổi số nội bộ, thay đổi tác phong làm việc để tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo thu nhập, việc làm cho người lao động.
Chính vì thế, ngoài chính sách về quyền lợi đóng BHXH, BHYT, VNPT Lào Cai còn có các chính sách hỗ trợ như: Đảm bảo công ăn, việc làm cho người lao động, đảm bảo không có lao động phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trả lương, thưởng đầy đủ, thu nhập đảm bảo đời sống cho người lao động. Không những thế, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động luôn được quan tâm, hệ thống an toàn vệ sinh viên ngày càng phát triển; ý thức của người sử dụng lao động và người lao động trong thực thi các quy định về an toàn vệ sinh lao động được nâng lên.
Cũng theo ông Đức, đơn vị còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động 01 năm 01 lần, đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đơn vị bố trí khám sức khỏe 02 lần/năm. Trang bị đồng phục, bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ cho người lao động, hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động mức tối đa 730.000 đồng/người/tháng. Hỗ trợ tiền xăng xe, điện thoại, chi trả chế độ công tác phí theo quy định của đơn vị. Chăm lo cho đời sống của người lao động, thân nhân người lao động khi có gia đình người lao động có hiếu, hỉ, ốm đau, tử tuất. Chế độ khen thưởng cho người lao động khi hoàn thành xuất sắc công việc, nhiệm vụ được giao, thưởng những ngày lễ, tết, thành lập ngành.
Ngoài ra, ông Đức cũng cho rằng, lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT…là khó có thể đong đếm, chỉ khi ốm đau, bệnh tật người dân mới thấy hết được lợi ích mà BHXH, BHYT…mang lại. “Người lao động tham gia BHXH sẽ được hưởng các chế độ trợ cấp và thời gian nghỉ ngơi khi không may gặp rủi ro tai nạn, bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động theo quy định của BHXH. Tử tuất là điều mà không ai mong muốn, chế độ tử tuất thể hiện lợi ích bảo hiểm xã hội bằng cách bù đắp tổn thất cho người thân của người tham gia BHXH thông qua 3 chế độ: trợ cấp mai táng, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp tuất hưởng một lần. Hay hưởng chế độ khám chữa bệnh, nằm viện khi ốm đau (BHYT chi trả), chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi không may mất việc làm…Một số quyền lợi trên cho thấy lợi ích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế rất thiết thực dành cho người tham gia. Các chính sách này giúp người dân đảm bảo sự ổn định một phần về thu nhập. Do vậy, việc tham gia BHXH chính là để đảm bảo quyền lợi của mỗi người”, ông Đức chi sẻ.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Đức, để công tác truyền thông chính sách BHYT, BHXH đến được với đông đảo người dân thì ngành BHXH cần đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng, đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay. Nội dung thông tin đơn giản, dễ tiếp nhận, dễ chia sẻ và lan toả trên mạng xã hội… Do vậy, để phát huy hiệu quả truyền thông BHXH, BHYT góp phần đưa các quy định của pháp luật về bảo hiểm vào thực tiễn cuộc sống, cả cơ quan BHXH nên đa dạng hóa nguồn nội dung phù hợp với từng kênh, loại hình truyền thông. Quá trình phối hợp cần đi sâu về chất lượng nội dung, cơ quan BHXH phát huy vai trò định hướng để thông điệp BHXH, BHYT lan tỏa sâu rộng hơn đến cộng đồng, bảo đảm hiệu quả hơn cho công tác này.
BHYT - Người bạn đồng hành cùng bệnh nhân nghèo
Theo BHXH Việt Nam thì BHYT là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn... thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Nhờ tham gia và có thẻ BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh.
Lào Cai vốn là một tỉnh có địa hình đặc thù, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Vậy nên, việc được hưởng các chế độ BHYT với người dân là vô cùng quan trọng.
Ông Phan Văn Đinh, sinh năm 1946, sống tại phố Lu, thị trấn Huyện Lỵ, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, là một trong những trường hợp được BHYT chi trả, chia sẻ: Ông đi lại bị trượt ngã, phải thay khớp háng. Chi cho thay khớp hàng khoảng 100 triệu đồng, nhưng vì gia đình tham gia BHYT hộ gia đình nên sẽ được chi trả khoảng 40 triệu đồng.
“Cũng may có thẻ BHYT nên gia đình cũng đỡ được một khoản chi phí. BHYT đúng là rất cần thiết cho mỗi gia đình, đặc biệt là với những người cao tuổi như chúng tôi. Chúng tôi rất cảm ơn chính quyền đã hỗ trợ cho người dân nghèo”, ông Đinh nói.
Ngoài ông Đinh, bệnh nhân Hoàng Văn Lính, địa chỉ Bản 5 AB, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, bị tổn thương nội sọ, đã được BHYT chi trả 93 triệu đồng. Hay anh Lương Văn Chung, sinh năm 1976, sinh sống tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đang điều trị rạn xương chậu, vỡ mắt cá chân cũng được BHYT chi trả 100%.
Anh Thắng cho biết: Tai nạn là điều không ai lường trước được. May tôi được bảo hiểm chi trả hoàn toàn nên gia đình đỡ rất nhiều về mặt kinh tế. Những lúc này mới thấy, BHYT của nhà nước thực sự có ích lợi cao mà ai cũng nên tham gia. Thực tế, người tham gia BHYT có nhiều lợi ích to lớn. Trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia (với các đối tượng thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; tham gia theo hộ gia đình; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên;…). Người tham gia BHYT được KCB tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT trên toàn quốc và lựa chọn cơ sở KCB gần địa chỉ nơi đang sinh sống để đăng ký KCB ban đầu cũng như có thể thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu. Khi KCB đúng quy định, người tham gia được quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100% chi phí KCB tùy từng đối tượng.
Theo đó, BHYT giúp người tham gia giảm gánh nặng về chi phí KCB khi ốm đau, tai nạn, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính điều trị kéo dài hay những bệnh cần phẫu thuật... BHYT còn góp phần chia sẻ rủi ro, phát huy tinh thần ''lá lành đùm lá rách" giữa những người tham gia BHYT.
Trong năm vừa qua, BHXH tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các sở ngành thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; phối hợp xác nhận đơn vị dừng đóng do ảnh hưởng của dịch Covid 19 để hưởng hỗ trợ của Chính phủ. Số thu BHYT là 723.560 triệu đồng, tăng 21.230 triệu đồng (3,02%) so với cùng kỳ năm 2019, đạt 101,4% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định và thực hiện kế hoạch và giám sát việc thực hiện dự toán chi BHYT do Chính phủ giao.
Định kỳ báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện dự toán chi KCB BHYT; ban hành quy chế phối hợp trong tổ chức thực hiện công tác khám chữa bệnh BHYT. Tổ chức ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 22 cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh gồm 17 cơ sở y tế công lập và 05 cơ sở y tế ngoài công lập; Phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong công tác giám định khám chữa bệnh BHYT, thường xuyên kiểm tra công tác giám định, cảnh báo cơ sở khám chữa bệnh từ đó quản lý hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT của tỉnh; Phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện công tác quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2019, giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2020.