Bệnh đậu mùa khỉ có thể diễn biến nặng trên nhóm đối tượng nguy cơ cao

Lã Thị Thúy hằng
Diễn biến bệnh đậu mùa khỉ thể nặng, bệnh thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (như: Phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…) có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.

Ngày 26/7, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế nghiệm thu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người” tổ chức cuộc họp với đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ để thảo luận các nội dung, sớm trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành hướng dẫn này.

Tại cuộc họp, các chuyên gia nhấn mạnh, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Việt Nam dù chưa ghi nhận ca bệnh nhưng cần sớm ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị để ngăn chặn từ những ca bệnh đầu tiên, tránh nguy cơ lây lan thành dịch.

4 giai đoạn trong diễn biến bệnh

Theo báo cáo được đưa ra tại cuộc họp, trên thế giới ghi nhận gần 16.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ tại 74 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Hiện những quốc gia xung quanh Việt Nam, như: Campuchia, Singapore, Thái Lan… cũng đã ghi nhận bệnh nhân.

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập Việt Nam là rất cao. Việt Nam dù chưa ghi nhận ca bệnh nhưng cần ban hành ngay hướng dẫn chẩn đoán, điều trị để phát hiện sớm những ca bệnh đầu tiên, sẵn sàng phương án điều trị, ngăn chặn nguy cơ diễn biến thành dịch.

Các chuyên gia xác định có 4 giai đoạn trong diễn biến bệnh đậu mùa khỉ.

Cụ thể, ở giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ 6-13 ngày (dao động từ 5-21 ngày), người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

Ở giai đoạn khởi phát (từ 1-5 ngày), các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo đó là người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Vi rút có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

Ở giai đoạn toàn phát là sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1-3 ngày. Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.

Còn ở giai đoạn hồi phục, các triệu chứng có thể kéo dài từ 2-4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Cũng tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất chia các thể lâm sàng của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thành 3 thể: Không triệu chứng, nhẹ và nặng. Trong đó, với thể nhẹ, các triệu chứng thường hết sau 2-4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào. Còn ở thể nặng, bệnh thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (như: Phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…) có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh. Bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn da với biểu hiện có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục. Thậm chí, bệnh nhân cũng có thể bị viêm phổi, viêm não hay nhiễm khuẩn huyết.

Các chuyên gia cho rằng, dựa trên triệu chứng sốt, phát ban và hạch to, các bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với các bệnh như đậu mùa, thủy đậu, Herpes lan tỏa hay tay - chân - miệng.

a2-1658847675.jpg

Tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh tại sân bay.

Phân loại nguy cơ phơi nhiễm đậu mùa khỉ

Theo WHO, tốc độ lây lan của dịch nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của đậu mùa khỉ tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Cơ quan này cũng cho hay, nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Hiện WHO xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có nguy cơ thấp về bùng phát dịch.

Tại dự thảo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người, Bộ Y tế cũng đưa ra phân loại 4 nguy cơ phơi nhiễm đậu mùa khỉ:

Nguy cơ cao phơi nhiễm: Tiếp xúc gần, trực tiếp mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân. Cụ thể, người tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh bao gồm các tiếp xúc da kề da với người bệnh (như sờ, chạm…) và quan hệ tình dục; nhân viên y tế không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân thích hợp khi trực tiếp khám, chăm sóc, điều trị cho người bệnh; người cùng làm việc trong khoảng cách gần hoặc ở cùng phòng làm việc với không gian kín hoặc thông khí kém mà không sử dụng khẩu trang, phương tiện phòng hộ cá nhân.

Hoạt động giám sát với những trường hợp nguy cơ cao phơi nhiễm là theo dõi sức khỏe trong 21 ngày sau phơi nhiễm; thực hiện báo cáo ca bệnh có thể nếu có biểu hiện triệu chứng. Phòng sau phơi nhiễm bằng tiêm vắc xin theo hướng dẫn.

Nguy cơ trung bình: Tiếp xúc gần với các vật dụng có nguy cơ lây nhiễm. Cụ thể là tiếp xúc với các vật dụng sinh hoạt của người bệnh như: Quần áo, chăn, chiếu, gối… Một số tình huống phơi nhiễm đặc biệt khác do cán bộ dịch tễ trực tiếp điều tra xác định, bao gồm cả phơi nhiễm trong phòng xét nghiệm; hành khách ngồi ngay cạnh ca nhiễm bệnh trên máy bay. Những trường hợp này cần được theo dõi sức khỏe trong 21 ngày sau phơi nhiễm. Đồng thời, thực hiện báo cáo ca bệnh nếu có biểu hiện triệu chứng. Phòng sau phơi nhiễm bằng tiêm vắc xin theo hướng dẫn.

Nguy cơ thấp: Nghi ngờ tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Cụ thể là tiếp xúc với trường hợp bệnh đậu mùa khỉ nhưng có sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; tiếp xúc trong cộng đồng từ 1-3 mét với ca bệnh có triệu chứng nghi ngờ; hành khách ngồi xung quanh hàng ghế với bệnh nhân có triệu chứng. Những trường hợp này được theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày, đồng thời, cung cấp số điện thoại cho cơ quan giám sát và không bắt buộc tiêm vắc xin phòng sau phơi nhiễm.

Không có nguy cơ: Không có tiếp xúc với ca bệnh. Cụ thể là không có tiếp xúc với ca bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng trong 21 ngày qua; hành khách ngồi cách xa trên 3 hàng ghế; nhân viên phòng thí nghiệm tuân thủ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân. Đối với những trường hợp này không cần thực hiện phòng sau phơi nhiễm nhưng cần thực hiện tiêm vắc xin trước phơi nhiễm theo hướng dẫn.

Thúy Hằng