Bảo vệ môi trường để phát triển KT-XH theo hướng 'thuận thiên' bền vững

Đặng Thu Hằng
Chiều 3/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hội đồng thẩm định) chủ trì cuộc họp của Hội đồng với một số bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia...

Chú thích ảnh Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Vấn đề bảo vệ môi trường phải đi trước

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan soạn thảo Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) bám sát nội dung Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Quy hoạch…

Với mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, Phó Thủ tướng nêu rõ, vấn đề bảo vệ môi trường phải đi trước, là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển kinh tế hài hòa với tự nhiên. Quy hoạch phải có tư duy, tầm nhìn giúp các ngành kinh tế phát triển, đồng thời phòng, ngừa từ xa tác động tiêu cực đến môi trường.

“Quy hoạch phải là mục tiêu, động lực, yêu cầu phát triển. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường phải được thực hiện trước khi triển khai các dự án kinh tế - xã hội, mặt khác phải đồng bộ, nhịp nhàng với lộ trình quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác”, Phó Thủ tướng nói.

Về mục tiêu của Quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế-xã hội theo hướng “thuận thiên” bền vững; cải thiện và phục hồi các khu vực ô nhiễm, suy thoái, nhất là những giá trị, hệ sinh thái cốt lõi của Việt Nam.

Theo đó, Quy hoạch phải khoanh vùng các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng cần ưu tiên xử lý, khắc phục; có giải pháp tái tạo, phục hồi lại khu vực quan trọng, giá trị, ý nghĩa đặc thù đối với hệ sinh thái, như: rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, đầu nguồn… Bên cạnh đó, phát triển các hoạt động kinh tế dựa vào hệ sinh thái, đa dạng sinh học thay vì chỉ “khoanh vùng, bảo tồn nghiêm ngặt”; định hướng các giải pháp kinh tế xanh, bền vững khi thực hiện “net zero”, phát triển năng lượng tái tạo, giao thông vận tải xanh, nước thải tuần hoàn…

Khẳng định những thay đổi cơ bản sang nền kinh tế xanh sẽ giải quyết triệt để vấn đề môi trường, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quy hoạch cần có có các tiêu chí làm cơ sở để tích hợp, lồng ghép mục tiêu, định hướng bảo vệ, bảo tồn môi trường vào quy hoạch của các ngành kinh tế khác, như: đất đai, xây dựng, giao thông vận tải… Về tiêu chí, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng sinh học là quan trọng nhất, tiếp đến, ưu tiên khắc phục, cải tạo khu vực ô nhiễm môi trường, cuối cùng là định hướng phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội dựa trên bảo tồn, bảo vệ môi trường.

“Quy hoạch là công cụ quan trọng thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, là nền tảng để các bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp chuyển đổi kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Do đó, Quy hoạch cần thể hiện tư duy tiên phong, dẫn dắt phát triển xanh, đầu tư vào tự nhiên, tạo ra những ngành công nghiệp không khói, những giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị tư vấn, nghiên cứu xây dựng, cập nhật dữ liệu về các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học…; tính khả thi của việc xây dựng các cơ sở xử lý chất thải tập trung trong khi đang đẩy mạnh phân loại, xử lý, tái chế rác thải tại nguồn…

Phân vùng quản lý chất lượng môi trường

Chú thích ảnh Quang cảnh phiên họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng, giải pháp tổng thể của Quy hoạch phù hợp với thực tế và có tính khả thi cao như: Đổi mới tư duy quản lý, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế…

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng; xem xét tính khả thi, rà soát lại định hướng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Quy hoạch đa dạng sinh học quốc gia. Một số đại biểu đề nghị khuyến khích, thúc đẩy nguồn lực xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ môi trường, hệ sinh thái, xử lý chất thải rắn, nguy hại; ưu tiên công nghệ xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải…

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững đất nước dựa trên sắp xếp, định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường theo lãnh thổ xác định để bảo vệ môi trường. Quy hoạch được xây dựng trên quan điểm lấy con người là trung tâm; bảo đảm tính “mở, động và tĩnh”; không cản trở sự phát triển…

Quy hoạch nhằm mục tiêu tổng quát là chủ động ngăn ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi, cải thiện được chất lượng môi trường; bảo vệ tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái tự nhiên trên cơ sở phân bố hợp lý không gian phân vùng môi trường; thiết lập khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cụ thể, Quy hoạch sẽ xác lập và quản lý: 256 khu bảo tồn thiên nhiên; 21 cơ sở bảo tồn đã dạng sinh học để bảo tồn giai đoạn 2021-2025; 13 hành lang đa dạng sinh học; 41 khu vực đa dạng sinh học cao; 24 cảnh quan sinh thái quan trọng; xác lập và quản lý 10 vùng đất ngập nước quan trọng…

Dự kiến sẽ hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, vùng, tỉnh có quy mô công suất, công nghệ xử lý phù hợp đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý được toàn bộ lượng chất thải rắn phát sinh trên phạm vi cả nước, hạn chế chôn lấp trực tiếp; tạo điều kiện, cơ chế, chính sách thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa trong xử lý chất thải. Đến năm 2030, hình thành 3 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia; 1 khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại mỗi vùng kinh tế-xã hội; 1 khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh tại mỗi tỉnh. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 98% (riêng tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%); tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 95% ở đô thị và 90% ở nông thôn; tỷ lệ tái sử dụng, tái chế trên 65%...

Quy hoạch đã định hướng về phân vùng môi trường trên phạm vi cả nước theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác; định hướng xác lập các khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hành lang đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; định hướng về vị trí, quy mô, loại hình chất thải, công nghệ dự kiến, phạm vi tiếp nhận chất thải để xử lý của các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, vùng; định hướng về mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường…