52 tuổi với 60 lần hiến máu tình nguyện, anh Cường không chỉ đã tặng những giọt máu của mình cho không ít người bệnh, giúp họ được cứu chữa và giành lại sự sống. Mới dây, anh đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đăng ký hiến tặng 12 cơ quan nội tạng của mình cho y học sau khi qua đời.
GIÚP NGƯỜI BẰNG GIỌT MÁU NGHĨA TÌNH
Sau khi xuất ngũ năm 1994, anh Cường trở về với cuộc sống đời thường vừa học, vừa làm nghề thợ tiện. Sau đó, anh rời quê nhà lên TP. Hồ Chí Minh để mưu sinh. Anh có hơn 20 năm ở thuê trọ sinh sống với nghề thợ tiện, rồi làm bảo vệ. Không ít lần chứng kiến những người nghèo, người cao tuổi, người cơ nhỡ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… chẳng may mắc bệnh rất cần sự giúp đỡ. Anh cũng từng nhìn thấy tại nơi mình ở, nhiều người góp của, góp công làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và anh cũng muốn được góp phần.
Tuy nhiên, gánh nặng của người trụ cột gia đình phải làm thuê, ở trọ chăm lo cho vợ và 2 con nhỏ nên anh Cường không thể giúp họ bằng tiền bạc. Thế là anh nghĩ đến việc giúp người, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo bằng những giọt máu hồng.
Lần đầu tiên hiến máu, anh Cường thừa nhận, không tránh khỏi sự lo âu. “Tôi không biết mình có đủ điều kiện để hiến máu hay không. Tôi cũng đã hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần về sự an toàn lúc cho máu… Và nhờ sự khuyến khích, động viên của cô Tâm, phụ trách công tác chữ thập đỏ phường 12, quận 6, TP. Hồ Chí Minh, nơi tôi đang ở trọ, nên tôi đã yên tâm tham gia hiến máu. Lần đầu hiến máu vào năm 2006, tôi hiến chỉ có 250 ml máu nhưng đã ngất xỉu, những lần hiến sau đó thì bình thường, không còn sợ nữa” - anh Cường nhớ lại.
Với tâm nguyện “mỗi giọt máu được hiến tặng là trao đi một sự sống cho ai đó” nên anh Cường quyết tâm rèn luyện sức khỏe để có thể hiến máu nhiều hơn. Sau vài lần hiến 250 ml, anh được các bác sĩ đề nghị tăng lên 350 ml rồi 450 ml. Sau khi hiến máu xong, anh trở về với công việc mưu sinh hằng ngày mà không gặp trở ngại gì về sức khỏe. Cũng từ đó, anh Cường "bén duyên" với việc hiến máu cứu người.
TUYÊN TRUYỀN VIÊN VỀ HIẾN MÁU
Hơn 15 năm qua, cứ 3 tháng 1 lần, anh Cường đều đặn cho đi những giọt máu của mình với tổng cộng đơn vị máu mà anh hiến đến nay là 23.500 ml máu (30 lần hiến 450 ml, 25 lần 350 ml và chỉ có 5 lần hiến 250 ml). Chỉ có 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên anh chỉ hiến khoảng 2 lần/năm.
Nhận thấy việc hiến máu không chỉ có lợi cho bản thân như được kiểm tra máu, sàng lọc bệnh, có cơ hội “thay máu”… mà còn góp phần giúp đỡ người khác, làm giàu nguồn máu dự trữ cho những người bệnh khi cần. Từ đó, anh Cường học hỏi cách vận động của Hội Chữ thập đỏ để có thêm nhiều người tham gia hiến máu nhân đạo. Chính sự vận động của anh Cường, mà xóm trọ nơi anh từng sống tại TP. Hồ Chí Minh đã có rất nhiều người tình nguyện tham gia hiến máu. “Mỗi lần hiến máu, cả xóm rủ nhau đi như một ngày hội thật vui” - anh Cường nói.
Anh Cường cho biết: “Ban đầu việc vận động hiến máu là không dễ dàng, bởi một số người sợ mất máu hoặc có suy nghĩ máu cho đi là uổng phí, nên tôi phải giải thích cặn kẽ và xin những tờ rơi, thông tin chính thống để đưa cho họ đọc. Một số người còn lo sợ hiến máu sẽ dễ lây bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, khi đó không còn cách nào khác, tôi phải lấy bản thân mình ra để làm minh chứng cụ thể để vận động, thuyết phục người khác cùng tham gia hiến máu nhân đạo”.
Đến nay, mọi người trong gia đình nhỏ của anh Cường đã có tổng cộng 85 lần hiến máu. Nếu tính thêm anh, chị em và các cháu của anh thì con số đã vượt xa 120 lần hiến máu. Từ khi tham gia hiến máu, bản thân anh Cường cũng như nhắc nhở mọi người hiến máu chú ý đến chế độ ăn uống, ý thức giữ gìn sức khỏe. Anh ăn đủ chất, đều đặn và hạn chế rượu, bia; tập thể dục để có được nguồn máu tốt, đủ điều kiện cho bất cứ lúc nào có nhu cầu hiến máu.
Sau gần 20 năm sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh, anh Cường đưa gia đình trở lại quê nhà mưu sinh bằng việc bán hàng thuê, rồi làm bảo vệ ở Trường Mầm non Bình Minh. Rồi dịch bệnh Covid-19 bùng phát phải đối diện với bao khó khăn, nhưng anh Cường vẫn tiếp tục tham gia hiến máu tình nguyện như một thói quen.
Hằng ngày, ngoài công việc bảo vệ ở trường, anh Cường phụ vợ gia công, chế biến lạp xưởng, giò thủ, bò lá lốt… để kiếm thêm thu nhập nuôi 2 đứa con, đứa nhỏ đang học lớp 6, đứa lớn đang học Khoa Sư phạm tiểu học Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Anh luôn mong muốn có được sức khỏe để tiếp tục hiến máu cứu người. Ước mơ của anh là được một lần đi dọc Việt Nam, ra Hà Nội thăm Lăng Bác, được gặp gỡ những người hiến máu tình nguyện để chia sẻ, học hỏi thêm những kinh nghiệm...
Với những đóng góp trong hoạt động hiến máu tình nguyện, anh Cường được TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang vinh danh là người hiến máu tiêu biểu. Anh còn được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo”; đồng thời, nhận 2 Bằng khen của UBND TP. Hồ Chí Minh, 1 Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang, 1 Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh, 7 Giấy khen của UBND phường 12, quận 6, TP. Hồ Chí Minh về hiến máu nhân đạo… Ngoài ra, lúc làm bảo vệ tại Công ty Dệt Sài Gòn, anh còn nhận được 1 Giấy khen của UBND quận Tân Phú về việc bắt được 2 tên trộm…
XUÂN UYÊN