Báo động tình trạng trẻ hoá người nhiễm HIV đồng giới

Lã Thị Thúy hằng
Hiện nay, tại TP HCM nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính (MSM) nhiễm HIV chiếm tỉ lệ lớn, có đến 76% số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận trong năm 2021. Trong đó, tỉ lệ những người trẻ độ tuổi từ 18-25 tuổi nhiễm HIV/AIDS tăng cao.

Không tin mình sự thật nhiễm HIV

Sau nhiều tháng sức khoẻ cảm thấy suy yếu, cân nặng liên tục bị giảm, anh Nguyễn Văn Thái (19 tuổi - tên nhân vật đã được thay đổi) là sinh viên của một trường đại học lớn trên địa bàn TP HCM quyết định đi khám sức khoẻ.

a3-1657969234.jpg

Các bạn MSM được tư vấn sử dụng thuốc PREP có tác dụng dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, anh Thái được bác sĩ cho biết mình bị nhiễm HIV/AIDS và cần được chăm sóc điều trị ngay lập tức.

Không tin vào kết quả này, anh Thái đã đi rất nhiều cơ sở y tế và phòng khám cộng đồng dành cho những người trong cộng đồng nam đồng giới để thăm khám. Nhưng kết quả chi có 1 đáp án.

Tại Phòng khám Glant, anh Thái được các bác sĩ vận động tâm lý và tham gia điều trị. Đồng thời, bạn tình của anh Thái cũng đi cùng để làm các xét nghiệm, cũng may bạn tình của anh âm tính. Lúc này, anh Thái được bác sĩ đưa vào sử dụng chương trình điều trị thuốc ARV - một loại thuốc gây ức chế, giảm sự phát triển của virus trong cơ thể người bệnh. Khi người nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV, có thể giảm nồng độ virus trong cơ thể giúp cải thiện sức khỏe, tăng khả năng chống lại các bệnh do hội chứng suy giảm mắc phải ở người.

Đồng thời cũng giúp cho người nhiễm HIV giảm đi khả năng lây nhiễm HIV cho người khác nếu nồng độ virus trong cơ thể thường xuyên được kiểm soát ở mức thấp. Và bạn tình của anh Thái được tư vấn sử dụng thuốc PREP có tác dụng dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Trẻ hoá người nhiễm HIV đồng giới

Ghi nhận tại Phòng khám Glant, nơi đây hiện đang chăm sóc và hỗ trợ điều trị cho khoảng 850 người đồng tính nam không may nhiễm HIV. Và rất nhiều người chưa nhiễm nhưng sử dụng PREP để dự phòng.

Ông Đỗ Quang Kháng – Giám đốc Phòng khám Glant cho biết, trong giai đoạn dịch COVID-19 phòng khám đã liên tục cung cấp thuốc PREP cho các bạn MSM để phòng tránh mức tối đa lây nhiễm. Tuy nhiên, sau khi mở cửa trở lại, trong số 850 người đang được điều trị tại đây, số lượng người trẻ độ tuổi từ 18-25 nhiễm HIV/AIDS tăng rất nhanh, chiếm 70% và người từ 30 -40 tuổi chiếm 30%. Con số này rất cao và đang báo động.

Trong quá trình điều trị cho nhóm này khó khăn, đa phần các bạn trẻ không tin mình có thể bị nhiễm bệnh và thời gian đầu từ chối tham gia điều trị. Điều này đồng nghĩa với việc các bạn có thể là nguồn lây cho những người tiếp theo.

“Không ít trường hợp có ý định muốn tự tử, hoặc khi biết bệnh thì lo lắng thông tin cá nhân sẽ bị lộ với trường, gia đình. Tất cả suy nghĩ coi đó là một án tử khiến công tác tiếp cận điều trị ban đầu rất khó khăn”, ông Kháng nói thêm.

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TP HCM, HIV/AIDS tại thành phố gần đây có sự gia tăng số ca nhiễm HIV mới và có sự thay đổi rõ rệt các hành vi nguy cơ liên quan đến tình trạng nhiễm HIV.

Nếu như năm 2012 số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận vào khoảng 2.000 người, đến năm 2021 con số này là gần 4.500 người. Thời kỳ đầu của dịch, nhóm tiêm chích ma túy nhiễm HIV là chủ yếu, đến giai đoạn hiện nay, nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính (MSM) nhiễm HIV chiếm tỉ lệ lớn, có đến 76% số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận trong năm 2021 là nam quan hệ tình dục đồng tính.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết, mới đây Sở Y tế TPHCM đã tiếp đoàn trong Chương trình viện trợ khẩn cấp của Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS cùng với lãnh đạo của CDC Hoa Kỳ và chương trình y tế của USAID tại Việt Nam. Qua đó, mở thêm cơ hội cho người dân được tiếp cận chương trình một cách hiệu quả, giảm bớt gánh nặng kinh tế.

Lã Hằng