Cách đây hơn 20 năm, trung bình mỗi ngày, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chỉ khám vài ca bệnh, thì hiện nay mỗi ngày, tại đây khám cho khoảng 400-500 bệnh nhân, chủ yếu mắc bệnh trầm cảm, lo âu, stress. Trong đó có rất nhiều người ở độ tuổi thanh, thiếu niên.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, trầm cảm là rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng cảm xúc buồn, mất sự quan tâm, thích thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kém tập trung, mất đi hứng thú hoặc sở thích vốn có. Đặc biệt, bệnh nhân có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi và có ý định hoặc hành vi tự sát.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14 nhưng phần lớn đều không được phát hiện hay điều trị. Trong đó, trầm cảm được xem là rối loạn tâm thần phổ biến thứ ba trong thanh, thiếu niên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, trong đó người bị trầm cảm có thể đã phải trải qua những biến cố lớn của cuộc đời hoặc sự thay đổi trong đời sống hằng ngày đã tác động mạnh đến đời sống cá nhân hoặc tinh thần của họ, thách thức sự thay đổi ở họ. Người mắc bệnh trầm cảm do chịu áp lực, quá tải, lo lắng, stress từ cuộc sống và là căn bệnh của thời đại khiến cho bộ não bị quá tải. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bị trầm cảm sẽ gây tổn thương cho chính mình, phản ứng tiêu cực với người chung quanh, có thể tự sát hoặc giết người.
Bộ Y tế cũng đã đề cập đến những biểu hiện điển hình của người mắc trầm cảm, đó là buồn chán dai dẳng, mệt mỏi, giảm hoặc mất sự quan tâm, thích thú với những hoạt động thường thích làm, không có khả năng thực hiện các công việc hằng ngày, thời gian kéo dài từ 2 tuần trở lên. Trầm cảm không được chữa trị sẽ trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng làm việc, học tập và cuộc sống hằng ngày. Trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Trên 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm.
Tuy nhiên, các bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần cho rằng, dấu hiệu của trầm cảm như tảng băng trôi. Ở phần nổi của tảng băng thì bản thân người bệnh và người khác khó nhận thấy. Thậm chí, các biểu hiện ban đầu của bệnh dễ bị nhầm lẫn với một số tình trạng ngày thường có thể gặp như: Mệt mỏi, buồn chán bình thường... Vì vậy, khi mắc bệnh, nhiều người trẻ đều tự đối phó. Thậm chí, họ luôn nghĩ rằng, mình sẽ khỏi bệnh mà không cần ai giúp đỡ. Từ đó, cơ hội được thăm khám, chữa trị giảm đi và nhiều trường hợp đã xảy ra hậu quả xấu.
Các bác sĩ cho rằng, trầm cảm là rối loạn có thể chữa được nếu được phát hiện sớm với sự hợp tác tốt của người bệnh, gia đình và cộng đồng. Để đẩy lùi bệnh trầm cảm, tránh các hệ lụy xấu xảy ra, khi có các biểu hiện nói trên, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện, hỗ trợ điều trị kip thời.