Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, phòng tiêm chủng của bệnh viện đã tiếp nhận 99 trường hợp bị chó, mèo cắn, trong đó có 56 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại, chiếm tỷ lệ 56%.
ThS.BS Bùi Thị Thúy – Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong y văn từng ghi nhận có trường hợp ủ bệnh dại đến 2-3 năm hoặc lâu hơn nữa.
Lý giải điều này, BS. Thúy cho rằng, thời gian ủ bệnh ở mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào hệ miễn dịch từng người. Thời gian ủ bệnh dại trung bình 20-60 ngày nhưng có thể kéo dài nhiều năm sau. Thời kỳ ủ bệnh ngắn khi vết thương ở vùng đầu mặt hoặc lây bệnh qua ghép giác mạc.
Trường hợp mới đây, nữ bệnh nhân 23 tuổi, ở Lào Cai được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán theo dõi viêm não từ tuyến dưới. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân giống với người nhiễm virus gây bệnh dại như ớn lạnh, sợ nước, sợ gió, ánh sáng…
Các bác sĩ đã lấy hai mẫu dịch não tủy và dịch tị hầu gửi đi làm xét nghiệm PCR. Kết quả khẳng định nữ bệnh nhân này dương tính với virus gây bệnh dại. Khi biết kết quả, gia đình rất bất ngờ vì không nhớ bệnh nhân bị chó cắn từ khi nào, chỉ áng chừng khoảng một năm trước. Tại bệnh viện, nữ bệnh nhân đã 2 lần ngừng tim, sau đó, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà để lo hậu sự.
Theo BS. Thúy, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Virus gây dại còn có thể lây qua các vết thương hở, hoặc bị chó mèo cào, cắn, liếm... Bệnh dại đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, một khi lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong 100%.
Do đó, những trường hợp bị chó mèo cắn, tiếp xúc với chó mèo qua vết thương hở trên da thì cần tiêm phòng dại sớm nhất có thể.
Với những gia đình nuôi chó mèo cũng cần tiêm phòng dại cho vật nuôi thường xuyên theo khuyến cáo của ngành thú y để phòng tránh căn bệnh gây chết người này. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo...
Cách sơ cứu khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm:
- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
(Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)