Tiêm filler là một kỹ thuật khó
Cuối tháng 9/2022 vừa qua, một phụ nữ 38 tuổi đã phải vào Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng ngực trái hoại tử sắp vỡ, ngực phải bắt đầu có dấu hiệu hoại tử da, cứng ngắc. Được biết trước đó, bệnh nhân đã tiêm filler nâng ngực tại spa với giá 20 triệu đồng.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên nguy kịch do tiêm filler nâng ngực. Trước đó, hồi tháng 4/2022, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng tiếp nhận một bệnh nhân 39 tuổi bị tai biến sau khi tiêm 3 lọ filler vào ngực và mặt. Nữ bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân khó thở, tim hầu như không co bóp. Để cứu bệnh nhân, các bác sĩ đã phải can thiệp bằng kỹ thuật ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) và chạy thận nhân tạo hỗ trợ.
Thực tế cho thấy, tiêm filler là một trong những phương pháp làm đẹp được nhiều người ưa chuộng vì nghĩ đơn giản mà hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, đây là phương pháp cũng có nhiều tai biến xảy ra khi thực hiện.
Theo báo cáo của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, thời gian gần đây đơn vị này liên tục tiếp nhận các trường hợp gặp biến chứng do tiêm filler vì quá trình vô trùng khi tiêm không tốt hoặc tay nghề của người tiêm non yếu.
TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú - Trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, kỹ thuật tiêm filler (hay còn gọi là kỹ thuật tiêm chất làm đầy) là một trong những kỹ thuật khó nếu thực hiện sai kỹ thuật, có thể gây những biến chứng nặng như hoại tử da và sau khi điều trị xong, một số trường hợp vẫn còn những sẹo xấu rất khó phục hồi lại như ban đầu. Thậm chí chúng có thể gây những biến chứng nặng nề hơn như đột quỵ hay mù mắt do sử dụng kỹ thuật sai cách.
Cũng theo bác sĩ Ánh Tú, sai lầm thường hay gặp nhất khi tiêm filler là mọi người nghĩ kỹ thuật này thực hiện quá đơn giản.
"Bản thân kỹ thuật này có tên là tiêm chất làm đầy nên người ta nghĩ đơn giản rằng, cứ chỗ nào thiếu hụt thì sẽ làm đầy lên. Tuy nhiên đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo bài bản, nắm rõ cấu trúc vùng mặt, đặt biệt là hệ thống mạch máu để khi thực hiện đúng kỹ thuật mới không gây ra những tai biến trầm trọng cho bệnh nhân", TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú chia sẻ.
Ngày càng nhiều người bị biến chứng do tiêm filler.
Những trường hợp nào không nên tiêm filler và nên tiêm ở đâu thì an toàn?
Theo TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú, trước hết bác sĩ phải thăm khám xem bệnh nhân có phù hợp để tiêm chất làm đầy không. Phù hợp ở đây bao gồm cả 2 ý nghĩa:
Thứ nhất là bệnh nhân đó có thực sự cần tiêm filler không? Khiếm khuyết đó trên phần mặt của bệnh nhân có thể khắc phục, cải thiện được bằng tiêm chất làm đầy không?
Thứ hai là bệnh nhân đó có chống những chỉ định không (đang bị viêm da, dị ứng với bất cứ thành phần nào của chất tiêm, rối loạn đông máu, phụ nữ mang thai và cho con bú, có cơ địa sẹo lồi hoặc sẹo phì đại…)
Và điều quan trọng vì là một kỹ thuật khó nên mọi người cần thực hiện kỹ thuật này tại cơ sở y tế uy tín, nơi có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản mới có thể khắc phục được những hạn chế tai biến xảy ra.
Cũng theo TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú, trong quá trình làm việc, chị tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân thực hiện tiêm chất làm đầy ở những cơ sở y tế không uy tín và có tai biến, phải đến Khoa thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
"Một trong những ấn tượng đối với tôi đó là những bệnh nhân trẻ tuổi, có những tai biến không thể nào phục hồi, cải thiện và sửa chữa được, gây tàn phế cho bệnh nhân suốt đời như mù mắt. Và bản thân những bệnh nhân trẻ đó cũng không thể lường rằng chỉ có đi làm đẹp thôi mà lại gặp phải những vấn đề ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống như vậy", bác sĩ Tú chia sẻ.
TS.BS Ngô Minh Vinh - Phó Trưởng bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho hay, hoạt chất tiêm filler ngày nay người ta sử dụng là loại hoạt chất có thành phần axit hyaluronic. Đây là axit tự nhiên, khi vào cơ thể tự tiêu đi theo thời gian.
Tuy nhiên, tiêm filler giống như con dao hai lưỡi. Nếu dùng đúng sẽ hiệu quả còn không để lại nguy cơ rất nguy hiểm. Tiêm filler đòi hỏi người tiêm phải là bác sĩ và phải có giấy chứng nhận đã thực hành lớp giải phẫu học và tiêm chất làm đầy thì mới được tiến hành thủ thuật.
"Khi tiêm filler, nếu chích vào mạch máu thì chất filler làm nghẽn mạch máu và vùng mô, da của cơ thể hoặc nội tạng cơ thể thiếu máu tới sẽ gây ra hoại tử, lở loét. Vì vậy mọi người cần phải lựa chọn phương pháp làm đẹp phù hợp với tình trạng da của từng người, kỹ thuật thực hiện phải đúng. Nếu sử dụng sản phẩm tiêm filler phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, đặc biệt cơ sở làm đẹp phải uy tín, bác sĩ có tay nghề cao, được cấp phép rõ ràng để tránh tiền mất tật mang", Tiến sĩ Ngô Minh Vinh khuyến cáo.
Theo Sức khỏe Đời sống