Vừa qua, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM (PC07) yêu cầu phòng hát các quán karaoke trên địa bàn có diện tích dưới 50 m2 phải sử dụng vật liệu trang trí, cách âm là vật liệu không cháy, khó cháy.
Tuy nhiên, thông tư Thông tư 147/2020 của Bộ Công an quy định phòng 50 m2 trở lên mới sử dụng vật liệu trang trí, cách âm phải sử dụng vật liệu khó cháy, chống cháy. Vụ việc khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh karaoke ở TP.HCM thắc mắc.
Một phòng karaoke đang được sửa chữa tại TP Thủ Đức. Ảnh: An Huy. |
Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (C07) đã có hướng dẫn quy định về sử dụng vật liệu trang trí nội thất, cách âm, cách nhiệt trong quán karaoke.
Trao đổi với Zing, đại diện C07 cho biết Thông tư số 47/2015/TT-BCA ngày 6/10/2015 quy định tường, vách ngăn và trần treo của đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, các gian phòng tập trung đông người được thiết kế bằng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó bắt cháy.
Theo Cục C07, đối với quán karaoke được đưa vào hoạt động trước ngày 20/2/2021 (khi Thông tư 147/2020/TT-BCA có hiệu lực), cơ quan công an sẽ kiểm tra an toàn PCCC quán karaoke theo Thông tư số 47/2015/TT-BCA.
Đối với quán karaoke hoạt động từ ngày 20/2/2021 đến nay, cơ quan công an sẽ kiểm tra an toàn PCCC theo Thông tư số 147/2020/TT-BCA (tức là phòng hát 50 m2 trở lên phải bố trí vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy).
Trường hợp cơ sở kinh doanh karaoke đã đưa vào sử dụng trước ngày 20/2/2021, đến nay có cải tạo, thay đổi thiết kế phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo quy định của Thông tư số 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020.
Phòng karaoke được bóc vật liệu dễ cháy để thay bằng vật liệu khó cháy, chống cháy. Ảnh: An Huy. |
Bên cạnh đó, C07 cho biết vật liệu chống cháy, khó bắt cháy được sử dụng trong các quán karaoke xác định theo tiêu chuẩn ISO 1182 hoặc tiêu chuẩn tương đương.
Một số vật liệu được xếp vào nhóm vật liệu không cháy gồm các vật liệu vô cơ nói chung như: bê tông, gạch đất sét nung, gốm, kim loại, khối xây và vữa trát…
Vật liệu khó bắt cháy phải có cường độ thông lượng nhiệt bề mặt tới hạn không dưới 35 kW/m2.
PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Phòng cháy chữa cháy, cho biết Thông tư 47/2015/TT-BCA quy định phòng tập trung đông người cần phải sử dụng vật liệu khó cháy, không cháy để trang trí cách âm.
Thông tư này chưa nêu rõ số lượng bao nhiêu người tập trung trong phòng cùng một thời điểm là đông. Cục C07 cần hướng dẫn để doanh nghiệp nắm quy định để chấp hành.
"Đối với vật liệu vừa cách âm mà chống cháy, doanh nghiệp có thể sử dụng bông thủy tinh ép thành tấm ốp vào tường rồi phun một lớp sơn chống cháy hoặc sử dụng thạch cao rồi phun sơn chống cháy cũng hiệu quả”, ông Xiêm chia sẻ.
Từ ngày 15/10 đến 15/12, Công an TP.HCM thực hiện cao điểm kiểm tra bất ngờ các cơ sở kinh doanh nhằm ngăn chặn, chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người. Những cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar... không đủ tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) phải ngưng hoạt động để khắc phục.
Trong đó, Công an TP.HCM yêu cầu các vật liệu làm lớp hoàn thiện, ốp, trang trí của tường, tấm treo trần trong các gian phòng (phòng hát) và trên các đường thoát nạn (hành lang, cầu thang bộ...) phải làm bằng vật liệu không cháy, khó bắt lửa, đảm bảo theo quy định.