Trước cảnh triều cường dâng cao thường xuyên vào những tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Thắm (63 tuổi) sống trong căn nhà cấp 4 trên quốc lộ 50, xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), phải lấy tờ giấy ghi cụ thể 8 ngày (29-2 và 14-17 âm lịch mỗi tháng) để chuẩn bị các biện pháp ứng phó.
Bà dành một góc nhà, kê tấm ván cao lên nửa mét. Sau khi sử dụng các đồ điện tử như quạt máy, nồi cơm điện… bà lấy chúng để trên tấm ván, đề phòng nước tràn vào nhà bất ngờ.
Ngập như sông
Hơn 10 năm sống trong căn nhà mặt tiền trên quốc lộ 50, bà Thắm đã quá quen cảnh ngập nước mỗi ngày 2 lần. Buổi sáng và chiều, nước ngập kéo dài 3-4 giờ, nghiêm trọng hơn vào cuối năm.
Xe chết máy trên quốc lộ 50, đoạn qua trước nhà bà Thắm. Ảnh: An Huy.
Có hôm nước cuốn theo rác trôi đầy vào nhà. Những lúc như vậy, vợ chồng bà cặm cụi dùng máy bơm hút nước rồi lau dọn chứ không biết kêu ai. “Chính quyền nâng đường và cho phép chúng tôi xây lại nhà thì mới đỡ khổ”, bà Thắm nói trong tiếng thở dài.
Theo người phụ nữ, mỗi lần triều cường lên đỉnh, quốc lộ 50 không khác gì sông nước miền Tây. Cả tuyến đường mênh mông nước, phương tiện chết máy la liệt trên đường.
“Người dân dắt xe máy lên lề cố gắng khởi động, ống xả phun đầy khói đen. Ôtô chết máy phải đậu dưới đường, chờ nước rút để xe cứu hộ đến kéo đi. Hầu như tháng nào tôi cũng gặp cảnh này. Năm nay, triều cường dâng cao hơn năm trước nên ngập càng nghiêm trọng hơn”, bà Thắm nói.
Bà Thắm cho biết khoảng 10 năm trước, bà sống tại khu vực gần kênh Tàu Hủ (quận 6). Khi đại lộ Võ Văn Kiệt được khởi công, bà nhận tiền đền bù rồi về quốc lộ 50 mua nhà ở cùng chồng, con.
Lúc đó, bà đã biết quốc lộ 50 ngập do triều cường nhưng vẫn mua vì nền căn nhà lúc đó cao hơn mặt đường 1 m. Tuy nhiên, tình trạng ngập trên quốc lộ 50 tăng dẫn mỗi năm, đường cũng thường xuyên được nâng.
Bà Thắm ngồi trước căn nhà cấp 4 thường xuyên bị ngập. Ảnh: An Huy.
Đến nay, nền nhà của bà đã thấp hơn mặt đường khoảng 0,3 m. Để chống ngập, bà xây một ụ bê tông trước cửa chống nước tràn vào.
“Năm đó, chồng tôi bảo mua vì nước không thể nào dâng hơn 1 m, tràn vào nhà. Bây giờ thì gia đình tôi mới thấm cảnh sống chung với ngập”, bà Thắm nói.
Kinh doanh thua lỗ vì ngập
Cách đó không xa, ông Nguyễn Đăng Khoa (45 tuổi) mỗi tháng bỏ ra 14 triệu đồng để thuê mặt bằng trên quốc lộ 50, bán đồ gia dụng.
Tuy nhiên, ngập nước triền miên nên việc kinh doanh của ông cứ thua lỗ. Ông phải làm thêm nhiều nghề khác lấy tiền chi trả thuê mặt bằng.
Ngoài ra, để chống hư hỏng tải sản, mỗi khi nước dâng ông lại đóng cửa hàng, kê đồ. Nước rút, ông quét dọn rồi hạ hàng hóa xuống bán tiếp.
Ông Khoa cho biết quốc lộ 50 là cửa ngõ của TP.HCM, xe đi lại đông cả ngày lẫn đêm, nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng không đầu tư nâng cấp cho dân bớt khổ.
“Không ít lần vào buổi sáng, tôi chứng kiến học sinh trễ giờ vào lớp, công nhân trễ giờ làm vì xe chết máy do nước ngập. Nhiều lúc tôi muốn chuyển cửa hàng đi nơi khác làm ăn nhưng chưa thấy nơi nào phù hợp nên vẫn cố bám trụ”, ông Khoa nói.
Quốc lộ 50 ngập như sông khi triều cường dâng. Ảnh: An Huy.
Bà Nguyễn Thị Huệ (41 tuổi) chủ tiệm tạp hóa trên quốc lộ 50 lắc đầu ngao ngán khi nói về tình trạng ngập trên quốc lộ này.
Bà cho biết vòng tuần hoàn ngập trên quốc lộ 50 lặp đi lặp lại suốt mấy chục năm nay. Sáng người dân đi làm cũng bị ngập, chiều về nhà cũng bị ngập. Người dân nâng nền nhà được một thời gian rồi cũng bị ngập.
“Mỗi lượt ôtô chạy qua, tạo sóng nước tràn hết vào nhà. Người dân sống và buôn bán đều gặp khó khăn. Nhiều khi ngủ còn không yên giấc vì sợ nước tràn vào nhà bất ngờ”, bà Huệ nói.
Trao đổi với Zing, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết dự án nâng cấp quốc lộ 50 sẽ được khởi công cuối năm nay. Tuyến đường sẽ được thi công từng giai đoạn, hướng từ Long An đến trung tâm TP.HCM.
“Tại các vị trí ngập do triều cường trên quốc lộ 50, đoạn qua xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), thời gian tới, dự án cống ngăn triều 10.000 tỷ đồng đưa vào vận hành thì sẽ đỡ ngập được phần nào”, vị này nói.
Theo Sở GTVT TP.HCM dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50 có điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối giáp với tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.498 tỷ đồng, đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương và ngân sách TP, được thực hiện từ năm 2022 đến 2024.
Theo Zing