Vụ án "phá vỡ nhiều kỷ lục từ trước đến nay"
Sau nhiều tháng trả hồ sơ điều tra bổ sung, TAND TP.HCM quyết định đưa vụ án Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (địa ốc Alibaba) và 22 đồng phạm ra xét xử về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền, từ ngày 8/12 đến 6/1.
Theo tờ VnExpress, đây là vụ án "phá vỡ nhiều kỷ lục từ trước đến nay" như: hồ sơ gồm cả triệu bút lục, được đựng trong 140 rương phải chuyển bằng hai xe tải; gần 5.000 người tham gia tố tụng, trong đó gần 4.000 bị hại và 100 người có quyền, nghĩa vụ liên quan được triệu tập (theo quyết định đưa ra xét xử)...
Để phục vụ cho phiên xử, tòa đang lên kế hoạch chuẩn bị thêm bàn ghế dự phòng, lực lượng an ninh, cập nhật thông tin trên nhiều phương tiện thông tin để những người được triệu tập biết.
Do số lượng bị hại đặc biệt lớn, toà phải phân chia thời gian xét xử theo từng nội dung, từng dự án, rồi mời những người liên quan để đảm bảo quyền lợi cho họ được trình bày ý kiến. Diễn biến phiên xử sẽ được cập nhật để các đương sự, người tham dự tòa nắm.
Phiên tòa do thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa. Quá trình nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị cho việc xét xử, tòa phải thành lập tổ giúp việc gồm 4 thẩm phán và 4 thư ký. Đại diện VKS có 3 kiểm sát viên là Lê Thị Đông, Phạm Văn Hiển, Châu Hoàng Sơn và nhiều thành viên dự khuyết khác.
Tham gia phiên tòa có hơn 40 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ bị hại, người có quyền nghĩa vụ liên quan.
23 bị cáo, hơn 4.300 người bị hại
Theo nội dung vụ án, Nguyễn Thái Luyện là chủ mưu, sáng lập Công ty Alibaba và 22 pháp nhân khác. Lợi dung sự thiếu hiểu biết của nhiều người, Luyện cùng “bộ sậu” đã vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận rồi sau đó tự phân lô tách thửa trái phép bán cho 3.924 bị hại, chiếm đoạt 2.373 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, góp sức cho Luyện còn có 21 bị can khác, trong đó có Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh (2 em trai Luyện). Các bị can này đã đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đứng tên pháp nhân, giúp sức cho Luyện vẽ ra 58 dự án “ma” tại các tỉnh để bán cho các bị hại. Với hành vi trên, các bị can bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về tội Rửa tiền, cơ quan chức năng xác định, bị can Mai là Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm, bị can Lực là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Đại ốc Xanh và bị can Huỳnh Thị Kim Thắng, Kế toán trưởng của Công ty Alibaba đã có hành vi chuyển 13 tỷ đồng (có nguồn gốc bất hợp pháp, chiếm đoạt được của khách hàng) lần lượt qua các tài khoản của Thắng, Mai, Lực để che giấu nguồn gốc, sau đó rút ra và sử dụng cho cá nhân.
Cũng theo cơ quan điều tra, vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra tại nhiều địa phương với phương thức, thủ đoạn tội phạm tinh vi. Trong đó, Nguyễn Thái Luyện với vai trò chủ mưu, lợi dụng sự hiểu biết về pháp luật đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tìm cách lách luật, tạo dựng nên hệ thống kinh doanh dự án bất động sản không có thật theo mô hình đa cấp (cam kết trả lãi, mua lại với giá cao).
Luyện đã tự vẽ và phân lô trái pháp luật trên nền đất nông nghiệp, rồi tự đặt tên dự án do các đồng phạm đứng tên nhận chuyển nhượng từ nguồn tiền cá nhân và tiền thu của khách hàng, thông qua hợp đồng ủy quyền, hợp đồng hợp tác, tạo sự tin tưởng cho khách hàng về tính hợp pháp của các dự án “ma”, từ đó ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất với công ty Alibaba, chiếm đoạt một lượng tiền đặc biệt lớn.
Đây là vụ án có số lượng bị hại rất đông với hơn 4.300 người và khoảng 200 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Số lượng tiền, tài sản thu hồi có giá trị lớn khoảng gần 1.551 tỷ đồng, trong đó hơn 400ha đất nông nghiệp và đất thổ cư tại nhiều tỉnh, thành; 23 ôtô, xe máy các loại và 257 miếng kim loại màu vàng.
Thủy Tiên (T/h)