Xây dựng Luật Quy hoạch: Cần phải có thời gian, lộ trình cụ thể khi thực hiện việc “tích hợp”

Tạp Chí Nhân Đạo
Liên quan dự thảo Luật Quy hoạch, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa một số cơ quan soạn thảo. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự luật này hết sức quan trọng, vì vậy cần những tính toán hợp lý, nhất quán.

Dự thảo Luật Quy hoạch đang được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Mặc dù đã qua nhiều lần giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở đóng góp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến liên quan đến dự thảo với nỗi lo "chồng lấn".

xay-dung-luat-quy-hoach-can-phai-co-thoi-gian-lo-trinh-cu-the-khi-thuc-hien-viec-tich-hop
Ảnh minh họa

Ngay từ đầu năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch, trong đó chỉ đạo rõ: “Về quy hoạch xây dựng: Bảo đảm có quy định trong dự thảo Luật theo hướng kế thừa, tích hợp đồng bộ và điều chỉnh quy hoạch xây dựng bao gồm: Quy hoạch xây dựng vùng, Quy hoạch đô thị, Quy hoạch xây dựng nông thôn, Quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù theo quy định hiện hành”.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, tính nhất quán trong chỉ đạo của Chính phủ về dự án Luật Quy hoạch rất cao, nhưng dự thảo Luật Quy hoạch lần này vẫn chưa tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng. Việc không bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh đối với lĩnh vực quy hoạch xây dựng (mà hiện nay đã được quy định tương đối đầy đủ, đồng bộ trong các luật hiện hành, nhất là Luật Xây dựng 2014), khi thực hiện có thể dẫn tới sự xáo trộn không cần thiết và không bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Việc tích hợp quy hoạch xây dựng (quy hoạch không gian) vào quy hoạch tổng thể là xu hướng tất yếu. Quan điểm này nhận được sự đồng tình, ủng hộ, nhưng thực tiễn Việt Nam khó thể thực hiện được ở thời điểm này bởi nó chỉ phù hợp khi đất nước đạt đến trình độ phát triển cao hơn và đã thực hiện được cơ bản hệ thống khung quốc gia cũng như các vùng ổn định.

Mặt khác, để thực hiện việc “tích hợp” theo tinh thần của dự thảo Luật Quy hoạch cũng cần phải có thời gian, lộ trình cụ thể, lường hết những hệ lụy và phải tiến hành thực nghiệm trước… Đây cũng là quan điểm của rất nhiều chuyên gia.

Một số chuyên gia nhận xét, trước đây, chỉ duy nhất ngành xây dựng có quy hoạch, điển hình là quy hoạch Đà Lạt đã được thực hiện từ khoảng năm 1923 và vẫn còn giá trị đến ngày nay. Quy hoạch xây dựng chính là sắp đặt hệ thống không gian (hạ tầng kỹ thuật, giao thông, điện nước) và các công trình xây dựng có chức năng cụ thể (trường học, bệnh viện, nhà ở…). Quy hoạch này chính là cơ sở để lập các dự án đầu tư xây dựng và những không gian này phải xác định trước và không thể thay đổi được.

Theo ông Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hai hệ thống quy hoạch xây dựng và quy hoạch tổng thể là khác nhau và trên thực tế hai hệ thống này luôn song hành.

Cụ thể, quy hoạch tổng thể (quy hoạch phi vật thể) có vai trò đặc biệt quan trọng, tập trung vào mục đích định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương.

Còn quy hoạch xây dựng (quy hoạch vật thể) lại có mục đích là cụ thể hóa trong không gian xây dựng các định hướng phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định trong quy hoạch tổng thể. Và không gian xây dựng chính là môi trường sống của con người, dù ở đâu (đô thị hay nông thôn) không gian ấy không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng mà còn phải đẹp, nghĩa là có giá trị văn hóa - giá trị phi vật thể.

Thuật ngữ “quy hoạch xây dựng” đang được sử dụng rộng rãi từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới (1986). Trước đó, ở nhiều nước, thuật ngữ này được sử dụng phổ biến là “quy hoạch không gian” (không phải là quy hoạch xây dựng) để phân biệt với “quy hoạch kinh tế - xã hội”. Quy hoạch không gian lại được chia làm nhiều cấp: quy hoạch (không gian) vùng; quy hoạch (không gian) chung hay quy hoạch (không gian) chi tiết cho đô thị hoặc nông thôn. Việc xây dựng Luật Quy hoạch chính là câu chuyện tích hợp quy hoạch không gian (quy hoạch xây dựng) vào quy hoạch tổng thể như dự thảo để phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi sự thay đổi rất lớn trong cấu trúc tổ chức các cơ quan có liên quan; giữa mong muốn (bằng ý chí) và sự thích ứng trong thực tế (bằng năng lực) của hệ thống hiện vẫn còn nhiều bất cập và không dễ vượt qua - ông Thông nhận xét. Vẫn biết tích hợp quy hoạch xây dựng (quy hoạch không gian) vào quy hoạch tổng thể là cần thiết, nhưng đó là câu chuyện của tương lai, cần có thời gian và lộ trình cụ thể.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia chia sẻ, hiện nay các nước trên thế giới đều hướng chung một hình thức quy hoạch, đối tượng quy hoạch đó là không gian, là vật thể.

Gần như không có nước nào tồn tại cái gọi là tổng thể kinh tế - xã hội nữa vì thị trường luôn biến động. Chính vì thế rất nhiều nước đã thay đổi.

Đơn cử như Mỹ và Nhật Bản, họ chỉ xây dựng những chiến lược rất khung, rất cơ bản, tránh tình trạng áp đặt.

Điển hình là ở Mỹ không tồn tại những quy định hay những áp đặt do chính quyền của Liên bang tới từng bang, công tác quy hoạch cho từng bang nhất định không quyết định cho từng thành phố, mà việc quy hoạch chỉ đặt ra từng khung cho những phần hạ tầng kỹ thuật lớn, những vấn đề mang tính liên vùng là những kết nối, còn toàn bộ những vấn đề bên trong giao hoàn toàn cho chính quyền hạt, chính quyền thành phố quyết định.

Bản chất quy hoạch không phải là do chính quyền làm, cũng không phải một sản phẩm do một đơn vị tư vấn làm, mà quy hoạch là một sản phẩm mà toàn dân cùng nhau cam kết thực hiện một bức tranh trong tương lai. Bởi vậy, nếu chưa đủ “chín” thì vẫn nên “lắng nghe”, ông Hưng chia sẻ.

Thêm một lo ngại nữa được các chuyên gia đề cập đến đó là sự “đụng chạm” quá nhiều. Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Luật Quy hoạch còn rất nhiều vấn đề không ổn bởi sẽ vướng rất nhiều luật khác dẫn đến dậm chân tại chỗ. Đặc biệt, công tác quy hoạch, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng nông thôn sẽ ảnh hưởng rất lớn. Rất nhiều luật khác phải điều chỉnh, phải thay đổi.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luật này ảnh hưởng đến 32 luật, hàng chục Nghị định - ông Chính dẫn chứng. Nếu khối lượng luật bị ảnh hưởng lớn như vậy thì phạm vi điều chỉnh cũng “khổng lồ”. Các Bộ, ngành đều làm quy hoạch, có thể cái này chồng lấn cái kia, nhưng Luật Quy hoạch này mang tính chất luật khung thì phải làm thế nào để tạo hành lang pháp lý.