Vươn lên thoát nghèo từ mô hình ‘Ngân hàng bò’

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Chương trình “Hỗ trợ phục hồi kế sinh nhai sau lũ 2010” theo mô hình “Ngân hàng bò” qua 9 năm triển khai tại tỉnh Quảng Bình đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo kế sinh nhai bền vững cho các hộ dân khó khăn, bị thiệt hại nặng nề sau lũ.

Mô hình “Ngân hàng bò”

Chương trình “Hỗ trợ phục hồi kế sinh nhai sau lũ 2010” được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai tại tỉnh Quảng Bình từ năm 2011, nhằm trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề sau lũ có kế sinh nhai, góp phần ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo.

Chương trình được thực hiện theo mô hình “Ngân hàng bò”. Cụ thể, mỗi hộ được hỗ trợ một con bò giống trị giá 7 triệu đồng, bò giống sau khi nuôi trưởng thành, sinh sản nếu là bò cái sẽ chuyển giao cho hộ dân khác có tiêu chí phù hợp nuôi, nếu sinh sản bò đực thì Ban quản lý sẽ hóa giá rồi mua lại bò cái cấp cho hộ khác. Các hộ dân sau khi thực hiện xong việc bàn giao bò theo kế hoạch sẽ có một con bò cái để chăn nuôi và phát triển kinh tế.

Năm 2011, Trung ương Hội đã hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng, tương đương 400 cá thể bò cho Hội chữ thập đỏ Quảng Bình. Sau quá trình rà soát, số lượng bò trên được phân bổ cho 20 xã trên địa bàn toàn tỉnh với số lượng 20 con/xã. Các đối tượng được hưởng lợi sẽ được lựa chọn kĩ càng, đảm bảo các tiêu chí có lao động để chăm sóc, có chuồng trại và đồng cỏ chăn nuôi.

20191105_082543
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ cấp cơ sở thăm hỏi và động viên các trường hợp được hỗ trợ bò từ chương trình.

Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình, “Chương trình hỗ trợ phục hồi kế sinh nhai sau lũ 2010” sau 9 năm triển khai đã mang lại hiệu quả, đảm mục đích chương trình đề ra. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có thêm 700 trường hợp được chuyển giao bò từ chương trình. Các hộ gia đình sau khi thực hiện chuyển giao bò đã mở rộng chăn nuôi, tăng gia sản xuất từng bước ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Phan Văn Cầu, Chủ tịch Hội Chữ thập tỉnh Quảng Bình, khi thực hiện chương trình, Tỉnh hội đã phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ các cấp, chính quyền địa phương trong các công tác rà soát đối tượng, chuyển giao bò theo cam kết. Nhằm đảm bảo chương trình được thực hiện đúng đối tượng, mang lại hiểu quả cao nhất cho người dân.

“Sau khi phân bổ ngân hàng bò về các địa phương, Hội Chữ thập đỏ cấp cơ sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Ban quản lý tại xã để trực tiếp quản lý. Tuy vậy, Tỉnh hội cũng thường xuyên quan sát việc thực hiện, yêu cầu cán bộ Hội Chữ thập đỏ cấp cơ sở bám sát tình hình, báo cáo những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai chương trình để có biện pháp phù hợp”, ông Cầu cho biết thêm.

78% trường hợp thoát nghèo bền vững

Bão số 10 năm 2010 ảnh hưởng nặng nề đến tất các cả địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó có huyện Quảng Ninh. Chính vì vậy, Quảng Ninh là một trong số 6 huyện thành được chương trình hỗ trợ theo mô hình “Ngân hàng bò”. Tại Quảng Ninh 2 xã bị ảnh hưởng tàn phá nặng nề được chương trình hướng đến là xã An Ninh và xã Vĩnh Ninh.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Ninh, Phạm Thị Hồng Minh phấn khởi chia sẻ, từ 40 cá thể bò được Hội trợ giúp đến nay đã có 104 cá thể được chuyển giao cho người dân hưởng lợi, trong đó xã An Ninh có 54 trường hợp, xã Vĩnh Ninh có 50 trường hợp. Bò được chuyển giao đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, 78% trường hợp hưởng lợi thoát nghèo bền vững, số còn lại mới được chuyển giao nhưng đã có tín hiệu đáng mừng, cuộc sống dần được cải thiện.

Cũng theo bà Minh, các trường hợp tại địa phương đã nắm bắt tốt cơ hội, chăn nuôi hợp lý cộng với việc mở rộng sản xuất nên cuộc sống sau thiên tai đã thay đổi. Nhiều gia đình từ chỗ khó khăn, thiếu thốn nay đã có kế sinh nhai, có điều kiện tu sửa nhà cửa, lo cho con cái học hành đầy đủ.

Trường hợp của chị Trương Thị Thu Thoài, trú thôn Đại Hữu, xã An Ninh là một điển hình. Năm 2010, khi cả gia đình chưa kịp khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra thì tai họa lại ập đến khi người chồng là lao động chính trong gia đình bị tai nạn phải nằm liệt giường. Lúc đó, cả 2 vợ chồng và 3 người con đang tuổi ăn tuổi học, sống dựa vào mấy sào lúa ít ỏi.

20200508_092355
Sau khi được hưởng lợi từ chương trình, chị Thoài đã vươn lên thoát nghèo và mở rộng sản xuất.

Người phụ nữ vốn đã nếm trải nhiều đắng cay nhưng cũng tỏ ra lo lắng về những ngày tháng sắp tới. Năm 2011, khi cuộc sống gia đình rơi vào giai đoạn khó khăn nhất, cấp Hội cơ sở nắm được hoàn cảnh và đề xuất đưa tên gia đình vào danh sách hỗ trợ của chương trình. Cũng năm đó, chị Thoài nhận được bò, chị quyết tâm chăm sóc, cũng nhờ có sức kéo mà chị mở rộng được diện tích sản xuất. Đến nay, cuộc sống gia đình được ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Mỗi năm chị đều có thu nhập ổn định từ việc bán bê giống.

Trường hợp gia đình bà Hà Thị Miên, trú thôn Vĩnh Tuy 1, xã Vĩnh Ninh cũng là một trường hợp điển hình vươn lên thoát nghèo sau khi nhận được hỗ trợ từ “Chương trình hỗ trợ phục hồi kế sinh nhai sau lũ 2010”.

20200508_102920
Bà Miên (bên trái) phấn khởi chia sẻ với PV trong căn nhà khang trang vừa được tu sửa.

Bà Miên tâm sự: “Trước đây, cả gia đình làm 2 sào lúa không đủ ăn chứ đừng nghĩ đến việc thoát nghèo. May rằng, năm đó được Hội chữ thập đỏ cho bò giống mà tôi có cái để làm vốn. Sau khi chuyển giao bò theo cam kết thì đến nay tôi đã bán được thêm 7 con bò khác với giá giao động từ 8 đến 12 triệu đồng/con. Cũng nhờ đó mà tôi có tiền lo cho con cái học hành, có nghề nghiệp ổn định và hiện gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Sau 9 năm triển khai “Chương trình hỗ trợ phục hồi kế sinh nhai sau lũ 2010” theo mô hình “Ngân hàng bò” tại tỉnh Quảng Bình đã mang lại hiệu quả tích cực. Chất lượng chương trình được thể hiện rõ bằng số lượng gia đình thoát nghèo bền vững sau khi được hưởng lợi.

Quảng Bình là tỉnh có vị trí cách trở nên nhiều xã vùng sâu, vùng xa có tỉ lệ hộ nghèo cao. Sắp tới nếu được các cấp cơ quan, ban ngành, chính quyền quan tâm “phủ sóng” các chương trình tương tự chắc chắn rằng cuộc sống người dân sẽ được cải thiện và ngày càng đi lên.

B. Tuấn