Vụ ngộ độc rượu sau bữa cơm trên rẫy: Nạn nhân thứ hai đã tử vong

Nguyễn Thu Trang
Sau một tuần cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, anh Kă Să Ju Ly đã tử vong.

Chiều 4/12, UBND xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) xác nhận, anh Kă Să Ju Ly (sinh năm 1987, trú tại thôn R’Chai 2, xã Phú Hội) đã tử vong sau một tuần cấp cứu tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Đây là nạn nhân thứ 2 tử vong trong vụ 6 người ngộ độc rượu sau bữa cơm trên rẫy cà phê.

Như Báo CAND đã đưa tin, ngày 25/11 vừa qua, nhóm 8 người (thường trú tại thôn R’Chai 2, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) đi hái cà phê tại thôn Tân Phú, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng. Trưa cùng ngày, nhóm người này ăn cơm tại rẫy cà phê. Trong bữa ăn, 6 người đã uống rượu trắng, ăn cơm với canh là món bò hầm cà rốt, 2 người còn lại chỉ ăn cơm, canh, không uống rượu.

Rạng sáng ngày 26/11, anh Liêng Hót Ha Biết (SN 1990, là 1 trong 6 người ăn cơm có uống rượu) xuất hiện triệu chứng bất thường, được người nhà chuyển tới bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó. 5 người còn lại cũng lần lượt có triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, nôn ói… được người nhà đưa lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu.

Thêm một nạn nhân tử vong sau bữa ăn trưa có uống rượu -0

Vụ ngộ độc đã khiến 2 người tử vong, 4 người phải nhập viện cấp cứu. Ảnh: báo Công an nhân dân

Đến ngày 2/12, anh Kră Jẵn Ha Thiếp (SN 2005), Kră Jẵn Ha Thương (SN 2003) và Kră Jẵn Ha Ủy (SN 2006), được xuất viện. Hiện chỉ còn anh Kơ Să Ha Thoang (SN 1983) đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, sức khỏe đã ổn định, bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn, hết đau đầu, hết nôn ói.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến việc 6 người ăn cơm với canh bò hầm cà rốt và uống rượu trắng xảy ra tình trạng trên. Tuy nhiên, nhiều khả năng 6 người này đã bị ngộ độc khi uống rượu.

Cơ quan chức năng đã làm việc với ông N.V.T (SN 1982, bảo vệ Khu du lịch thác Ponggour), người được nhóm người trên nhờ mua khoảng hơn 1 lít rượu. Ông T cho biết, số rượu này được ông lấy từ gia đình chị gái là bà N.T.H (SN 1978, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng). Về nguồn gốc của loại rượu trên, bà H cho biết đã mua 5 lít từ lò rượu của ông P.V.B (SN 1960, xã Tân Thành). Số rượu này bà H chia làm 2 phần, một phần bà đổ vào bình rượu ngâm Amakông của gia đình, phần còn lại bà H bỏ ra can cho chồng uống, còn khoảng hơn 1 lít thì cho nhóm người trên sử dụng.

Công an huyện Đức Trọng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng niêm phong, tạm giữ toàn bộ số rượu tại lò rượu của ông P.V.B (xã Tân Thành, Đức Trọng) và số lượng rượu mà cơ sở này đã bán cho các cửa hàng tạp hóa. Lực lượng chức năng cũng đã lấy 4 mẫu rượu gửi đi xét nghiệm. Ngoài ra, Công an cũng đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Lâm Đồng) kiểm tra cơ sở sản xuất rượu của ông B. Kết quả cơ sở này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các hồ sơ khác về an toàn thực phẩm theo quy định.

Để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc trên, lực lượng Công an còn thu giữ mẫu rượu mà những người bị ngộ độc đã sử dụng, bao bì đựng rượu, mẫu khám nghiệm tử thi và một vật số mẫu khác.

Hạnh (T/h)