Vinh danh nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi người Tày Bảo Lâm là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Đặng Thu Hằng
Tối 23/8, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày của 3 xã Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm. Nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày được vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia là niềm tự hào, là niềm vinh dự và khẳng định những giá trị đã đóng góp của văn hoá địa phương vùng miền đối với nền văn hoá chung của huyện, của tỉnh, của quốc gia, của dân tộc.

Tham dự buổi lễ có ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Bế Lan Phương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo tỉnh Cao Bằng; ông Đoàn Trọng Hùng, Tỉnh uỷ viên, Bí thư huyện Bảo Lâm; ông Mã Gia Hãnh, Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, đại diện, lãnh đạo các số sở, ban, ngành của tỉnh, huyện, cùng đông đảo bà con nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lâm.

108359-luon-coi-4-23112223-1692894287.jpeg
Các đại biểu tham dự lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày huyện Bảo Lâm. 

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Quyết định số 234/QĐ-BVHTTDL ngày 14/2/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày các xã Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm.

Lượn Cọi nằm cùng tổ hợp của các làn điệu Lượn Then, Lượn Tứ quý, Lượn slương. Tiếng lượn được cất lên bên bờ suối, bìa rừng, cánh đồng, trên nhà sàn, chợ phiên... Không ai rõ và cũng chưa có tài liệu nào ghi chép lại cho thấy Lượn Cọi xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết rằng Lượn Cọi là thể loại dân ca được hình thành từ rất lâu đời, bắt nguồn từ cuộc sống lao động, được người Tày huyện Bảo Lâm gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ nối tiếp.

Đồng bào Tày ở Bảo Lâm hát Lượn Cọi bất cứ lúc nào trong năm, nhất là những dịp nông nhàn, vào mùa xuân, cưới hỏi, mừng nhà mới, đầy tháng... Lượn Cọi có thể là một bài dài, hoặc cũng có thể chỉ là một đoạn vài ba câu ngắn, có thể hát đối, cũng có khi tự hát, giai điệu thánh thót, uyển chuyển, trầm bổng, luyến láy, ngôn ngữ giàu hình ảnh và sự ví von sâu sắc, thể hiện tình cảm, khát khao, ước vọng, ước mơ, niềm tin vào cuộc sống. Nội dung các bài Lượn Cọi ca ngợi quê hương, đất nước, bản làng, mùa màng tươi tốt bội thu... Hát Lượn Cọi đòi hỏi người hát phải có chất giọng khỏe, sáng để chuyển tải được hết những ý nghĩa trong mỗi câu hát, nhằm bày tỏ tình cảm của bản thân với người nghe. Lượn Cọi có nhiều cách hát, có thể hát nhiều người hoặc hát đơn và có sáo đệm, mỗi khi vào cuộc hát thường diễn ra theo trình tự, từ người này tiếp lời người kia.

Trải qua thời gian, lời ca, tiếng hát Lượn Cọi đã ngấm sâu và tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày ở Bảo Lâm. Hiện nay, Lượn Cọi được lưu giữ, phổ biến nhiều và rộng rãi ở các xã: Nam Quang, Quảng Lâm, Yên Thổ, Thái Học, Mông Ân, Lý Bôn, Tân Việt, Vĩnh Quang, Vĩnh Phong.

Tại buổi lễ, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã trao giấy chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày huyện Bảo Lâm cho lãnh đạo của huyện và nghệ nhân của các xã Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm.

369267834-792739125975478-774758586673710249-n-1692894866.jpeg
108358-luon-coi-3-23060623-1692894287.jpeg
Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (ngoài cùng bên trái) và lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao chứng nhận cho huyện Bảo Lâm và các xã Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm.

Ông Mã Gia Hãnh - Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm nhấn mạnh: "Nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia vừa là niềm tự hào, là niềm vinh dự và khẳng định những giá trị đã đóng góp của văn hoá địa phương vùng miền đối với nền văn hoá chung của huyện của tỉnh, của quốc gia, của dân tộc. Đây là một trong những nội dung để huyện Bảo Lâm đưa vào chương trình phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế xã hội cùng với các huyện khác trong thời gian tới.

368368220-792739049308819-8370615735288369137-n-1692894866.jpeg
Ông Mã Gia Hãnh - Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm phát biểu tại buổi lễ. 

Với niềm vinh dự đó, vừa là trách nhiệm chung của toàn huyện phải bảo tồn, phát huy di sản tốt hơn, trách nhiệm không chỉ ở các cấp các ngành mà còn ở cả cộng đồng, nhất là những người thực hành, truyền dạy văn hoá phi vật thể Lượn Cọi tại huyện Bảo Lâm. Từ huyện đến cơ sở sẽ thực hiện hiệu quả chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn và phát triển Di sản văn hoá phi vật thể Lượn Cọi, đúng với ý nghĩa, bản sắc tốt đẹp, đặc sắc vốn có, góp phần to lớn vào định hướng để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Bảo Lâm trong thời gian tới".

Nhân dịp này, huyện Bảo Lâm cũng tổ chức công diễn các tiết mục đặc sắc của Hội thi hát dân ca giao duyên - trình diễn trang phục dân tộc huyện Bảo Lâm năm 2023.

Mạnh Linh