Nữ sỹ quan an ninh và cảnh sát có đóng góp quan trọng vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đồng thời thúc đẩy sự đa dạng trong việc giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình sau xung đột.” Đó là khẳng định của các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế “Nữ sĩ quan công an nhân dân tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc – cơ hội và thách thức” được tổ chức sáng nay (30/5) tại Học viện An ninh nhân dân.
Đây là dịp để các đại biểu trong nước và quốc tế thảo luận những giải pháp để tăng cường sự tham gia của nữ sỹ quan an ninh và cảnh sát, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Sự kiện này do Học viện An ninh Nhân dân Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ của chính phủ Canada. Ngoài thảo luận những rào cản, thách thức, các đại biểu cũng chỉ ra những thay đổi tích cực do sự tham gia của nữ sĩ quan vào các hoạt động giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc như tăng cường gắn kết cộng đồng, tiếp cận công lý và tiếp cận giải quyết xung đột có nhạy cảm giới, từ đó xây dựng niềm tin và thúc đẩy hòa bình trong các quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Là nữ sĩ quan công an Việt Nam đầu tiên lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan, Trung tá Lương Thị Trà Vinh, cán bộ Cục an ninh đối ngoại, Bộ Công an chia sẻ, môi trường địa bàn tại các phái bộ gìn giữ hòa bình đều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường như xung đột, bệnh tật và các điều kiện sống bất lợi. Bên cạnh đó, với một nữ sĩ quan, công tác ở một địa bàn xa xôi, thời gian kéo dài cũng là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, chị đã thể hiện bản lĩnh, ý chí vững vàng, kiên định trong mọi nhiệm vụ được giao.
Trung tá Lương Thị Trà Vinh cho biết: "Khó khăn rất nhiều nhưng với tôi, cơ hội nhiều hơn là thách thức. Tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là môi trường trải nghiệm khi được học hỏi giao lưu công tác cảnh sát của bạn bè quốc tế. Một cơ hội gắn với bản thân tôi đó là 1 năm xa gia đình, tôi tập trung công tác mới nhưng đó là 1 năm được thực hiện được giấc mơ của mình và 1 năm tại phái bộ cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị."
Chia sẻ kinh nghiệm về việc vượt qua những khó khăn thách thức, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ tại các phái bộ Liên hợp quốc, Đại úy Đỗ Huyền Trang, sỹ quan huấn luyện, Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam từng có thời gian một năm tham gia tại phái bộ hòa bình ở Trung Phi cho rằng: "Khi tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ, các nữ quân nhân phải xác định rõ mục tiêu, phương hướng hoạt động của mình và quan trọng nhất là có niềm đam mê để có thể vượt qua thách thức. Những khó khăn khi công tác tại địa bàn nước ngoài như đường đi lại khó khăn, thiếu điện, thiếu nước, xung đột…nhưng khi xác định đó là nhiệm vụ và niềm đam mê, thì mình sẽ không cho đó là vấn đề nghiêm trọng hay quá lớn."
Bà Jacqueline O’Neill, Đại sứ Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Canada đánh giá, Việt Nam đã vượt mục tiêu của Liên hợp quốc về sự tham gia nữ quân nhân trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, làm tăng hiệu quả hoạt động của các phái bộ. Để tăng cường sự tham gia của nữ sỹ quan an ninh và cảnh sát đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Bà Jacqueline O’Neill cho rằng: "Dù bất kỳ đâu, thách thức đầu tiên và lớn nhất với phụ nữ là chăm sóc gia đình và con cái. Do vậy khi làm chương trình, chúng tôi chú trọng các chính sách hỗ trợ các gia đình các quân nhân tham gia các sứ mệnh của LHQ, đặc biệt là chính sách cho con cái của họ. Ngoài ra, trong qua trình hợp tác với Việt Nam cũng như các nước ASEAN, tôi thấy rằng cần duy trì một mạng lưới giữa những nữ sĩ quan đã tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình với những người có mong muốn hoặc đang trong quá trình đào tạo, để họ giữ liên lạc, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng, tạo hiệu quả hơn trong công việc."
Hội nghị “Nữ sĩ quan công an nhân dân tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc – cơ hội và thách thức là một phần của Dự án khu vực “Tăng cường sức mạnh cho phụ nữ vì hòa bình bền vững: Ngăn chặn bạo lực và thúc đẩy sự hòa hợp xã hội tại ASEAN” do Chính phủ Canada và Hàn Quốc hỗ trợ./.