Việt Nam chủ động, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu

Đặng Thu Hằng
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, trung bình mỗi năm phải chịu từ 6 - 7 cơn bão. Những ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, hay thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt tại nhiều địa phương, vùng miền đang xảy ra với tần suất ngày càng nhiều hơn gây trở ngại đời sống sinh hoạt của người dân và sự phát triển của đất nước. Do đó, việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, trong năm 2022, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra rất phức tạp. Nhiều trận thiên tai diễn ra với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Điển hình như: nắng nóng, hạn hán kéo dài, nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm tại châu Âu gây thiệt hại kinh tế trên 19 tỷ USD; siêu bão Ian đổ bộ vào Mỹ cuối tháng 9 làm 154 người chết, thiệt hại trên 50 tỷ USD; lũ lụt lịch sử trong tháng 7-8 tại Pakistan làm gần 1.700 người chết, thiệt hại khoảng 30 tỷ USD; trận động đất với độ lớn 5,6 độ richter ngày 21/11 tại Indonesia làm 321 người chết,…

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên thế giới đã xảy ra nhiều đợt thiên tai bất thường như: ngày 6/2/2023, tại khu vực miền Nam và miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới với Syria, đã xảy ra 2 trận động đất với độ lớn 7,8 và 7,5 kèm theo 90 dư chấn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng với khoảng 53.000 người chết, 130.000 người bị thương và hơn 6.200 toà nhà bị sập đổ, thiệt hại kinh tế trên 105 tỷ đô la Mỹ. Cuối tháng 2/2023, 20 bang miền Tây và Trung nước Mỹ chịu ảnh hưởng của bão tuyết mạnh nhất trong vòng 100 năm làm 7.600 chuyến bay bị huỷ, khoảng 1 triệu người bị mất điện,…

Ở nước ta, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm 2022 và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.

Mùa mưa bão năm 2022 đã khiến dải đất hình chữ S phải “oằn” mình chống chọi, đặc biệt là khúc ruột miền Trung thân yêu khi nơi đây phải hứng chịu biết bao thiệt hại. Chúng ta có lẽ vẫn còn nhớ cơn bão số 4 (Noru) chưa vào đất liền nhưng một cơn lốc xoáy đã ập vào thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị làm sập, tốc mái hàng trăm nhà dân, quầy hàng, ki ốt tại chợ thị trấn, thiệt hại rất lớn về tài sản của người dân. Không những vậy, đợt mưa lũ kinh hoàng này đã quét qua thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vùi lấp, cuốn trôi nhiều tài sản, nhà cửa của dân. Hay như trận lũ xảy ra tháng 10/2022 ở thành phố Đà Nẵng. Trận lũ lớn khiến thành phố đáng sống nhất Việt Nam cả đêm không ngủ, gây thiệt hại lớn về tài sản, thậm chí đã có người tử vong ngay trên đường phố.

viet-nam-la-mot-trong-nhung-quoc-gia-chiu-anh-huong-nang-ne-nhat-cua-bien-doi-khi-hau-1693195909.jpeg
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biên đổi khí hậu

Hay gần đây nhất là trận mưa lũ diễn ra tại Yên Bái. Mưa lũ đi qua để lại hậu quả cho nhiều hộ gia đình khi khối tài sản tích cóp cả đời đã trôi theo dòng lũ dữ. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, mưa lũ đã làm 4 người chết, số liệu thống kê thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng tăng lên từng ngày. Ước tính thiệt hại lên tới khoảng 102 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, trung bình mỗi năm phải chịu từ 6 - 7 cơn bão. Những ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, hay thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt tại nhiều địa phương, vùng miền đang xảy ra với tần suất ngày càng nhiều hơn gây trở ngại đời sống sinh hoạt của người dân và sự phát triển của đất nước. Do đó đòi hỏi các ngành chức năng, mỗi địa phương phải đề cao cảnh giác, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng bất thường.

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là việc phát triển năng lực nghiên cứu để phục vụ dự báo, cảnh báo và phân vùng rủi ro thiên tai; phát triển hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống giám sát, kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; lập bản đồ cảnh báo thiên tai chi tiết đến từng vùng, miền, địa phương.

Tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng và dựa vào tự nhiên. Tập trung bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, các hệ sinh thái ven biển; trồng rừng ngập mặn, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản. Xây dựng các khu bảo tồn biển đảo; bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng. Hạn chế khai thác nước dưới mặt đất nhằm giảm sụt lún, nhiễm mặn ở các vùng ven biển.

chu-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-la-van-de-co-y-nghia-dac-biet-quan-trong-quyet-dinh-su-phat-trien-ben-vung-cua-dat-nuoc-1693195910.png
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Các hoạt động bảo vệ môi trường ở các khu đô thị, khu công nghiệp và làng nghề cũng được quan tâm. Nhà nước khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; thiết lập hệ thống quốc gia về giám sát, báo cáo, thẩm định cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu quốc gia và các kế hoạch có liên quan.

Đặc biệt, gần đây, Việt Nam đã thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các đối tác, là động lực để chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới, thúc đẩy chuyển đổi xanh, thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục triển khai thực hiện hệ thống các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường, đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy trong hoạch định chính sách phát triển theo hướng kinh tế dựa vào hệ sinh thái, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.