Nghe nói, nghệ sĩ Vân Dung day dứt, ân hận lắm trước sự ra đi của NSƯT Phạm Bằng…?
Tôi vốn ít khóc trước mặt người khác, vì ngại, vì xấu hổ nhưng trong đám tang bố Bằng tôi đã không kiềm chế được. Trong đội hài, chúng tôi coi nhau như một gia đình. Vậy mà, chúng tôi đã không có mặt bên cạnh bố Bằng những ngày cuối đời.
Tôi đã không biết được quá trình bố ốm như thế nào, không được ở bên cạnh những giờ phút cuối cùng nên khi mọi người báo tin, tôi còn mắng: “Sao lại nói lung tung như thế? Hôm trước, bố bực mình vì mọi người cứ đồn thổi lung tung đừng có đồn như thế”. Đến lúc biết bố đi thật rồi, tôi sốc thật sự. Hóa ra, bố giấu mọi bệnh tật, lúc nào cũng thể hiện sự vui vẻ với mọi người. Giờ bố ra đi như thế, khiến tôi và các đồng nghiệp rất ân hận, day dứt….
Anh Quang Thắng, người sát cánh cùng bố và tôi, anh Quốc Khánh trong nhiều tiểu phẩm hài cũng thương bố lắm. Khi tôi gọi điện cho anh Thắng, anh nói: “Vớ vẩn, ông mới gọi điện rủ tao đi làm quảng cáo cho bên X kìa.” Tôi cũng bảo, thì người ta báo tin thế, anh kiểm tra gọi sang nhà bố xem thế nào….
Giá như những phút lâm chung của bố Bằng có chúng tôi ở đấy thì trọn vẹn, ông cụ sẽ vui hơn. Giống như bố Hiệp, trước 2 ngày bố Hiệp mất, chúng tôi vào thăm, ông vẫn ngồi dậy nói chuyện với bọn tôi. Tôi nói: “Không thích bố ốm đâu nhé, bố dậy nhanh lên đi nhé. Con còn bao nhiêu việc đi quay đấy, cho bố ốm một tuần nữa thôi nhé, tuần nữa là đi quay với con”. Như thế, dù gì ông đi cũng thanh thản. Còn bố Bằng đi không có ai bên cạnh, không có đội hài bên cạnh….
Nghệ sĩ Vân Dung không kìm nén được cảm xúc trong lễ tang NSƯT Phạm Bằng (Ảnh: Mạnh Thắng).
Chị ấn tượng tiểu phẩm nào khi diễn cùng NSƯT Phạm Bằng?
Sau hôm bố Bằng mất, tôi xem đi xem lại vở diễn mô phỏng dựa theo bộ phim “Titanic”- Gala cười 2006. Bố Phạm Bằng và anh Quang Thắng diễn xuất hài hước với những lời thoại ấn tượng: “Nó kia rồi, nó kia rồi, sếp ơi”/ “Đâu, đâu, đâu, đâu”/ “Nó kia kìa, nó kia kìa, nhìn đi”/ “Đâu, đâu, đâu, đâu”…”.
Trong tiểu phẩm, bố Phạm Bằng vào vai lão sếp lớn bị “bồ nhí” Vân Dung “cắm sừng”. Trên chuyến tàu “Titanic”, Quang Thắng đã hát như thế để “chỉ điểm” cho “sếp Bằng” việc Vân Dung bỏ trốn cùng “người tình” Xuân Bắc.
Tôi xem lại thấy hay lắm, nội dung, lời thoại, ý tưởng đều hay. Ngày ấy tôi gầy gò, giọng khản đặc vì tập luyện nhiều. Tôi còn nhớ, sau chương trình đó, đi ra đường từ trẻ con đến người lớn suốt ngày hát “Nó kia rồi, nó kia rồi/Đâu, đâu, đâu, đâu…”.
Có thể nói đây là chương trình hài quá thành công, quy tụ toàn bộ dàn diễn viên hạng A ở cả hai miền Nam Bắc như: Hoàng Sơn, Hồng Vân, Phạm Bằng, Vân Dung, Quang Thắng, Xuân Bắc, Quốc Khánh, Việt Hương, Thúy Nga, Anh Vũ, Đức Hải, Hiệp gà, Tự Long, Quang Tèo, Giang còi….
Đúng là ngoài đạo diễn Đỗ Thanh Hải, không ai làm được. Để triệu tập từng ấy con người khó lắm, ai cũng bận lịch kín mít, cũng phải lăn đi kiếm tiền.
Sau nghệ sĩ Hương tươi, Vân Dung là “người tình” gắn bó nhiều năm với NSƯT Phạm Bằng qua các tiểu phẩm hài và được “sếp Bằng hói” yêu chiều nhất. Vậy ngoài đời, ông đối với chị như thế nào?
Tôi chỉ kể đơn giản thế này, hôm nghe tin xấu về bố Phạm Bằng, tôi cứ xem đi xem lại những clip hài diễn cùng bố, xem lại những bài viết về ông, viết về mình.
Trong suốt những năm làm việc cùng bố, tôi không đọc được, nhưng hôm bố mất tôi vô tình tìm thấy bài báo viết về bố, trong đó bố có nói về tôi. Bố nói: “Vân Dung là diễn viên tôi hơi nể đấy”. Cách bố nói và suy nghĩ về mình khiến mình quá trân trọng. Để được người lớn tuổi đời, lớn tuổi nghề như bố… nể, còn gì vui bằng?
Bố nói nể tôi vì khi lên sân khấu, tôi không quan tâm mình là ai, chỉ biết mình là nhân vật, sẵn sàng hóa trang, mặc cái gì xấu nhất lên người. Trong khi phụ nữ vốn sợ xấu, muốn mình đẹp trong mắt công chúng. Với tôi, tôi không quan tâm điều gì ngoài việc để làm sao hoàn thành tốt vai diễn, mang tiếng cười đến cho khán giả. Ông nói, chẳng có người phụ nữ nào như tôi cả.
Vân Dung và NSƯT Phạm Bằng trong một tiểu phẩm hài.
Có ý kiến cho rằng, ngoài đời Phạm Bằng không… dễ tính như trên truyền hình. Từng tiếp xúc, làm việc nhiều cùng ông, chị có thể chia sẻ?
Tôi có cảm giác bố Bằng chẳng bao giờ nghĩ mình lớn tuổi, lúc nào cũng xưng hô cậu - tớ, tớ tớ, cậu cậu. Bố nghĩ bố bằng tuổi bọn tôi, nói chuyện vô tư lắm. Lúc nào, bố cũng “Dung thì nhằm nhò gì, 75 thì vớ vẩn. Cứ phải như bố đây này….”. Đấy, lúc nào tôi cũng có cảm giác bố trẻ trung, vui vẻ. Bố Bằng sống hào sảng, quan tâm tới các con, quan tâm tới mọi người….
Mọi người cứ bảo bố khó tính, tôi thấy bố chẳng khó tính tí nào cả. Lúc nào ông cũng cười hề hề, sống đơn giản. Nói chung, bọn tôi ai cũng quý ông, không phải vì ông lớn tuổi mà do tính cách của ông trẻ trung. Ông vui vẻ, hiền, nói thế nào cũng cười. Bố Bằng cũng như bố Hiệp đều dễ tính, thoải mái.
Nghệ sĩ Công Lý khen “Bố Bằng thoại choanh choách”, nghệ sĩ Xuân Bắc nói không biết bằng tuổi ông có được sự dẻo dai như ông không. Còn chị, chị học hỏi được điều gì từ bậc tiền bối này?
Bố Bằng học thoại nhanh. Hơn 70 tuổi mà nhớ lời thoại chính xác, Táo quân toàn lời thoại khó, số liệu cần phải nhớ chính xác.
Trong công việc, ông ít khi đến muộn, bao giờ cũng đến đúng giờ hoặc sớm hơn. Hầu như không bao giờ đến muộn, nếu có ông đều xin phép trước và đến đều xin lỗi: “Tớ xin lỗi các cậu, hôm nay tớ đến muộn nhưng mà tớ gọi điện trước rồi”. Ông nghiêm túc chứ không như chúng tôi đi sớm về muộn, vớ vẩn, lìu tìu… Mỗi lần ông cư xử như thế, chúng tôi cảm thấy rất xấu hổ. Bố lớn tuổi mà ứng xử chỉn chu, rất gương mẫu.
Xin cám ơn chị về những chia sẻ!